Tổng hợp phụ chương
Phụ chương về dòng thời gian tại Madia IV Thánh thế giới
4 Bình luận - Độ dài: 2,169 từ - Cập nhật:
Phép tắc được viết lại, thánh thế giới hiện hình
Ngược dòng thời gian về thời điểm Đế chế thiên hà Timaeus còn tồn tại, lũ Malum đã từng cố gắng mở vài cuộc xâm lược lên các hành tinh nằm ở rìa lãnh thổ của đế quốc rộng lớn này. Những cuộc xâm lược ban đầu diễn ra khá thuận lợi, nên chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã chinh phạt được hơn 20 hành tinh, tha hóa và thu phục hơn vài tỷ tín đồ dưới quyền.
Sự trỗi dậy của lũ Malum đã đánh động đến một trong tám đại đô đốc của đế chế, Whisper Arna. Ông ta ngay lập tức ban bố thiết quân lực cho các thế giới dưới quyền, triệu tập ba hạm đội cùng hơn bốn trăm triệu thiết giáp binh tinh nhuệ để tiến hành chiến dịch tái chiếm lại các hành tinh đã mất.
Trong ngày đầu tiên chiến dịch, vị đại đô đốc đã đánh tan hạm đội thuyền chiến của quân phản loạn chặn đường, giết chết hơn 700 vạn tín đồ của lũ Malum. Ông ta liên tục thần tốc tiến quân đến hành tinh thủ đô của kẻ thù. Những hành tinh nếu không dùng bộ binh chớp nhoáng chiếm được trong vòng năm giờ, đều bị không kích bắn phá dã man từ quỹ đạo, kết hợp với phương châm không thu tù binh, nên chỉ trong vòng 18 giờ đầu tiên, số thương vong quân phản loạn được ghi chép đã lên đến gần hai tỷ người.
Với chiến thuật tấn công chớp nhoáng, chỉ trong bốn ngày, 15 hành tinh đã được thu về dưới quyền bảo hộ của đế chế, trong đó có ba hành tinh đã trở thành các hành tinh chết do việc oanh kích từ quỹ đạo.
Vào ngày thứ bảy của chiến dịch, vị đại đô đốc đã tiến quân vào hệ sao Ra Cuop, nơi hành tinh thủ đô của quân phản loạn đang thiết lập một trận phòng thủ vững chắc. Đây cũng là lần đầu tiên, vị đại đô đốc được chiêm ngưỡng sức mạnh tổng lực từ đám Malum.
Trong vòng hai giờ giao tranh, hai hạm đội của đế chế hoàn toàn bị tiêu diệt, thương vong nhân mạng lên đến con số hàng tỷ, buộc đại đô đốc Whisper Arna rút quân khỏi hệ sao Ra Cuop. May mắn cho ông ta, các sinh vật ma thuật kia hình như bị ràng buộc bởi một cấm chế nào đó nên không thể rời khỏi hệ sao. Nếu không với số lượng không thể đong đếm nổi, bọn chúng có lẽ đủ sức đuổi cùng giết tận những hạm đội bỏ chạy của đế chế, tái chiếm lại các hành tinh đã mất.
Nhận thức về việc vẫn còn đánh giá quá thấp về mối hiểm họa của lũ Malum, vị đại đô đốc đã truyền điện tín cho hoàng đế yêu cầu gửi Khoa Pháp Vương và đội khoa ma pháp sư tinh nhuệ tới yểm trợ. Khoa ma pháp sư dưới quyền Khoa Pháp Vương, là những tinh anh trong tinh anh, những pháp sư đã có nhiều cống hiến cấp hành tinh cho lĩnh vực khoa học và ma thuật của đế quốc. Chính nhờ lực lượng tinh nhuệ trên, đế chế Timaeus mới có thể xưng bá khắp thiên hà.
Sau khi đội ngũ khoa ma pháp sư nghiên cứu về đám Malum tù nhân, họ chỉ tốn một tháng để tạo ra công nghệ khắc chế đám sinh vật ma thuật này. Sức mạnh của lũ Malum kết nối với một nơi có tên gọi là Hỏa Ngục, nên vậy để làm suy giảm sức mạnh của chúng, các khoa ma pháp sư đã tạo ra một hệ thống rào chắn phần nào ngăn cách giữa cõi thực tại và không gian Hỏa Ngục kia. Điều này dù không giúp quân đội triệt để đánh bại quân lực khổng lồ của đám Malum, nhưng phần nào cũng làm suy giảm đáng kể sức mạnh của chúng.
Trận Ra Cuop thứ hai có thể coi là một trong những trận đánh đẫm máu nhất của lịch sử quân sự đế chế, đại đô đốc Whisper Arna đã điều động 20 hạm đội trực thuộc dưới quyền ông ta, thậm chí ông ta còn kích hoạt một con Sư Tử Kháng Ma, thứ vũ khí hủy diệt cấp hành tinh. Đây chính là con át chủ bài của đế chế chuyên dùng để tiêu diệt các nền văn minh pháp thuật nhờ khả năng vô hiệu hóa ma thuật cực kỳ mạnh mẽ.
Trận đánh sau đó diễn ra khủng khiếp đến mức phá hư toàn bộ hệ sao theo đúng nghĩa đen. Ngay cả với công nghệ tiên tiến của đế chế, việc khôi phục lại hệ sao này là việc hoàn toàn không thể. Trận đánh đã xé rách đi màn chắn giữa cõi thực tại, Hỏa Ngục cùng nhiều không gian khác, tạo ra các vùng bất ổn định cực kỳ nguy hiểm trong hệ sao. Tình hình hỗn loạn đến mức, Cửu Tuyệt Hội đã cử hai Deus tới để xóa sổ hệ sao kia ra khỏi thực tại.
Dù có thể nói là chiến thắng, nhưng thiệt hại bên phía quân của Whisper Arna cũng vô cùng khủng khiếp. Hàng tỷ nhân mạng cùng thuyền chiến bị tiêu diệt, ba khoa ma pháp sư dưới quyền Khoa Ma Pháp Vương tử trận, Sư Tử Kháng Ma bị hư hỏng nặng nề, buộc đế chế phải hy sinh một hành tinh dồi dào mana để tái sửa chữa lại thứ pháp bảo trân quý này.
Bên phía của lũ Malum, thương vong chúng nhận phải cũng cực kỳ nặng nề. Trong 300 Đại Quỷ Thần tham chiến đã có 187 quỷ thần bị tiêu diệt, tổng cộng bốn phần quân đội liên quân Hỏa Ngục đã bị xóa sổ hoàn toàn trong trận đánh này. Các quỷ thần phải liều chết phá rào chắn tẩu thoát về Hỏa Ngục lúc chúng nghe tin các Deus đang cử hai đại diện đến nơi đây, và sau khi biết rằng quân đội đánh bại chúng trong trận vừa rồi còn chưa chiếm tới một phần tám quân số của toàn đế chế, các Đại Quỷ Thần cũng đành từ bỏ âm mưu tha hóa các giống loài của cõi vật chất.
Đó là cho đến khi, chúng nhận ra Đế chế thiên hà đã không còn tồn tại nữa.
Sự xuất hiện của phi đoàn Dwarfin ở Madia đã khiến lũ Malum chuyển một phần sự chú ý của chúng về lại các hành tinh trên khắp thiên hà. Khoảnh khắc chúng nhận ra đế chế đã sụp đổ, chúng đã vui mừng tiến hành công cuộc tha hóa các hành tinh bên ngoài Madia một lần nữa.
Dưới sự bảo hộ của các Deus trước đây, Madia là một thánh hành tinh bất khả xâm phạm. Nhưng bây giờ khi các Deus rời đi, thế cục hiện tại đã thay đổi rất nhiều, nếu lũ quỷ có thể tha hóa các giống loài kia rồi dẫn đám tín đồ cùng các vũ khí văn minh cấp cao xâm lược Madia qua các cổng không gian, đó sẽ là ngày tàn của thánh thế giới.
Nhận ra hiểm họa khôn lường, vì các Deus không thể trực tiếp tác động tới cõi thực tại nữa, nên họ đã tập trung lại cùng nhau viết ra một thuật toán tái tạo toàn bộ cấu trúc của thánh thế giới Madia. Vào khoảnh khắc thuật toán của họ hoàn thành, một hệ thống cấp độ phức tạp đã được áp đặt lên toàn bộ cư dân của Madia. Các Deus cũng đã cố gắng để loại lũ Malum ra khỏi hệ thống này nhưng những nỗ lực của họ hoàn toàn vô vọng. Hệ thống cấp độ sẽ liên tục xảy ra các lỗi nghiêm trọng nếu các Deus cố làm thế, khiến các Deus đành suy nghĩ cách khác để áp chế tiềm lực của lũ quỷ.
Chính vì lý do này, các Xanosis đã được triệu hồi tới thánh thế giới Madia. Những người này mang theo một phần quyền năng của các Deus, họ có tuổi thọ trường tồn cùng năm tháng và nhận được sự chúc phúc của các vị thần. Ngoài ra, tiềm năng phát triển của họ cao hơn rất nhiều so với các cư dân bản địa của Madia. Bởi vậy, từ khi các Xanosis gia nhập vào liên quân, cán cân sức mạnh đã dần cân bằng, các thế lực khác đã không còn có thể áp đảo quân đội của hoàng đế Darius nữa.
Xanosis
Để nói về các Xanosis đầu tiên tới thế giới này, Iscariot có lẽ là người đầu tiên cần nhắc đến. Ông ta là một chiến binh trung thành với Darius, và cũng là người thành lập Thánh Đế Giáo, tôn giáo lớn nhất tại Madia xuyên suốt lịch sử.
Sau khi được diện kiến Darius, Iscariot đã bắt đầu viết cuốn Kinh Darius để sẵn sàng cho công cuộc truyền đạo. Chỉ mất chưa tới một tháng từ khi cuốn kinh được rao giảng, hơn bốn phần cư dân của liên quân và hầu hết các Xanosis đã trở thành tín đồ ngoan đạo của đức tin mới này. Thậm chí, Iscariot đã thành lập một đội quân cuồng tín có sức chiến đấu cực kỳ khủng khiếp mang tên Vệ Thánh.
Quân đội Darius bắt đầu tiến quân như vũ bão khi các Xanosis đạt đến đỉnh sức mạnh. Dù lũ quỷ đã may mắn được nằm trong hệ thống cấp độ do các Deus tạo ra, nhưng các binh đoàn mà chúng tha hóa từ các thế giới khác thì không. Các binh đoàn bị tha hóa đến từ thế giới khác, dù sở hữu những công nghệ vượt trội so với nền văn minh sơ khai của Madia, nhưng từ giây phút chúng bước chân vào thánh thế giới, cấp độ của chúng là một số 0 tròn trĩnh và hoàn toàn không thể thăng cấp. Ngoài ra dưới pháp tắc của các Deus, một cấm chế sức mạnh đã được áp đặt lên những vũ khí hiện đại của đám tha hóa, những vũ khí không được công nhận bởi pháp tắc của hệ thống đều không thể gây ra sát thương. Chính vì lý do này, lũ quỷ dù sở hữu quân lực đông đảo nhưng dần dần bị đẩy lùi trên mọi chiến tuyến ở Madia.
Về phía đám giặc da xanh, bước tiến như vũ bão của liên quân đã khơi gợi lên tinh thần chiến binh của tên hoàng đế Orc, Bazur đã tập hợp một lực lượng khổng lồ đánh chặn quân đội hoàng đế tại sông Itke. Trận đánh diễn ra suốt năm ngày liền, cường độ chiến đấu liên tục không có thời gian nghỉ ngơi. Vào ngày thứ sáu của cuộc chiến, nhờ vào chiến thuật tài tình của Darius, Bazur bị bao vây bởi hàng trăm cao thủ phe liên quân. Trong 115 cao thủ vây giết tên hoàng đế Orc, có tám người thực lực mạnh tương đương với các quỷ thần. Thế nhưng trước sức mạnh bá đạo của Bazur, 34 cao thủ đã bị giết chết chỉ trong vòng bốn giờ giao chiến. Khi Bazur đang hăng máu tiến hành cuộc tàn sát đẫm máu của hắn, trong giây phút tuyệt vọng nhất, Iscariot đã dùng sức mạnh của đức tin để đả thương Bazur, người ta nói sức mạnh của các á thánh sau này đều là nhờ Iscariot khai mở mà có được. Đòn tấn công thần thánh chí mạng đã buộc tên giặc da xanh phải rút lui khỏi chiến trường để tìm nơi chữa thương. Phần lớn quân đội của Bazur cũng dần sụp đổ và rối loạn, bị tàn sát một cách không thương tiếc bởi liên quân, các sử gia viết rằng sông Itke đã bị các xác chết lấp đầy khiến cho dòng nước hoàn toàn bị nghẽn.
Đó là một chiến thắng vinh quang cho liên quân, nhưng đó cũng là một ngày đáng buồn với sự ra đi của Iscariot. Dù là một thánh chiến binh mạnh mẽ, các vết thương tên hoàng đế Orc gây ra vẫn vượt quá khả năng hồi phục siêu việt của vị Xanosis.
Sau khi nói lời trăng trối cuối cùng, vị Xanosis ra đi trong sự tiếc nuối vô hạn của đồng đội. Darius đã phong ông ta là Prisancus, trong cổ ngữ có nghĩa là ‘vị thánh đầu tiên’. Một số chiến binh và hậu duệ của đội Vệ Thánh cũng thờ phụng ông ta bên cạnh Darius, gọi ông ta là Parikus, có nghĩa là ‘đức cha đỡ đầu’.
4 Bình luận