Ban đêm, tôi vừa xỏ giày định ra khỏi nhà thì mẹ gọi giật lại.
“Giờ này con định đi đâu? Có hẹn với ai à?” Mẹ nghi ngờ nhìn tôi.
Tôi thoáng chột dạ. Giải thích lý do thì rắc rối quá, mà giờ cũng đã gần 1 giờ đêm. Tôi tính bắt chuyến tàu cuối để đi mua máy chơi game cho Yuna.
“Con ra ngoài chút thôi.”
Nghe vậy, mẹ đột ngột im lặng. Một lúc sau, bà cất giọng, nghiêm nghị hơn bình thường. “Ngày đó, trước khi ra khỏi nhà, chị Sayuri của con cũng nói câu y hệt.”
Tôi không biết phải phản ứng thế nào.
“Yoshi này…” Mẹ nhìn thẳng vào tôi, “Con sẽ không chết, đúng không?”
Câu hỏi đó không phải lần đầu mẹ nói ra. Nhưng dù đã nghe nhiều lần, tôi vẫn thấy nó thật điên rồ.
“Con sẽ không chết đâu.”
“Yoshi… nếu con cũng ra đi như chị con năm đó, thì mẹ…”
Trong khoảng khắc, tôi không kìm được mà buột miệng, “Chị năm đó chỉ là do tai nạn thôi.”
“Nhưng mà…”
Mẹ còn định nói thêm gì đó, nhưng tôi không muốn nghe tiếp. “Con ổn mà, mẹ đừng lo.” Tôi chấm dứt cuộc trò chuyện, rồi bước ra khỏi nhà, bắt tàu đến nơi xếp hàng.
Trời đêm lạnh hơn tôi tưởng, dù đã vào xuân. Không ngờ lại có nhiều người sẵn sàng kéo nhau ra dường giữa khuya để xếp hàng, chỉ vì một món đồ công nghệ. Những hàng dài chật kín người nối nhau dọc khu phố sầm uất.
Trong lúc đứng chờ, tôi tự dưng nghĩ đến mẹ. Kể từ ngày chị Sayuri mất, mẹ lúc nào cũng tỏ ra lo lắng quá mức. Tôi nhớ những lần mẹ viện cớ chẳng đâu vào đâu để giữ tôi ở nhà.
“Hôm nay trời mưa lớn lắm, con nghĩ học đi.”
Khi tôi hỏi lý do, mẹ chỉ giải thích qua loa. “Gió lớn có thể thổi đổ biển quảng cáo, nhỡ đâu nó rơi trúng đầu con thì sao? Hoặc xe cộ trượt bánh nữa…”
Những lý do của mẹ luôn khiến tôi cạn lời. Nhiều lúc tôi chỉ muốn mẹ để yên tôi tự do làm điều mình muốn.
“Mùa hè ăn sashimi, nhỡ ngộ độc chết thì sao?” “Con mà ngủ quên trong phòng tắm, ai phát hiện kịp đây?” “Tập thể dục cũng phải cẩn thận! Lỡ trật chân hay gãy tay thì lại khổ.” “Còn nữa, mặc đồ tối màu bị ong chích chết thì phải làm sao?”
Đại khái là thế, mẹ luôn tìm ra những lý do kỳ lạ nhất để cảnh báo tôi về các mối nguy hiểm chẳng ai nghĩ tới. Có những lúc mẹ còn tin vào những điều không đâu. Như khoảng nửa năm trước khi chị Sayuri mất vì bị sát hại, mẹ nhất quyết nghĩ rằng có thứ gì đó siêu nhiên đang đeo bám gia đình chúng tôi.
Mẹ thường xuyên đến một thầy cúng nghe đồn là cao tay để nhờ hóa giải. Lạ hơn nữa, mẹ kéo cả tôi đi theo, bắt tôi “cầu an” dù tôi chẳng thấy an lành chút nào. Lời thầy cúng kể nghe như trong phim kinh dị. Một “vong hồn bào thai” nào đó đang ám lấy chị Sayuri, khiến tai họa giáng xuống.
Tôi không tin, nhưng mẹ thì tin tuyệt đối. Có lẽ, mẹ thật sự bị tổn thương nặng nề sau cái chết của chị. Tôi cũng hiểu, nhưng đôi khi mẹ lo lắng quá mức khiến tôi thấy ngột ngạt.
Con có thấy mệt mỏi không?
Dạo này con có ngủ đủ giấc không?
Ăn uống có ngon miệng không?
Mỗi câu hỏi, tôi đều đáp, “Con vẫn ổn.”
Trước đây, chỉ cần nói vậy là mẹ yên tâm, nhưng tôi biết mẹ vẫn luôn lo lắng, không phải chỉ vì cái chết của chị Sayuri, mà còn là mẹ sợ tôi sẽ đi vào vết xe đỗ đó. Thật ra, tôi chẳng có ý định gì kỳ quái cả, nhưng trước mặt mẹ, tôi luôn phải cố tỏ ra lạc quan.
Cháu vẫn ổn, cháu hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì ạ.
Tôi luôn phải trả lời như vậy mỗi khi mẹ bắt đầu hỏi han. Phải làm thế thì mới thoát được cảnh bị ép đi gặp bác sĩ tâm lý.
Sau khi chị Sayuri qua đời, tôi trở nên ít nói hơn, khép mình lại nhiều hơn. Chẳng còn thường xuyên trò chuyện với mọi người trong nhà. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, ai lại nói cười nhiều hơn trong hoàn cảnh vừa mất chị gái cơ chứ?
Nhưng nếu cần đi tư vấn tâm lý, thì người đầu tiền nên làm chuyện đó là mẹ mới phải.
-
Khi tôi mang chiếc máy chơi game mất cả đêm xếp hàng mới mua được đến bệnh viện, Yuna mừng rỡ đến mức tôi hơn ngạc nhiên.
“Tuyệt vời! Cuối cùng tớ cũng có thể tiếp cận với nền văn minh hiện đại rồi!”
Trước khi đưa chiếc máy cho cô, tôi định cằn nhằn một chút về nỗi vất vả - từ hàng dài người chờ đợi đến cảm giác lạnh buốt của gió đêm – nhưng Yuna đã hí hoáy mở hộp ra, chẳng cho tôi kịp nói lời nào.
“Cậu chẳng hứng thú gì với việc xếp hàng đâu, đúng không? Cậu chỉ muốn mua được cái máy này thôi.”
“Đâu có đâu.” Cô vừa nói cười khúc khích, lấy chiếc máy giơ lên trước mặt. “Oaaa!” Cô thốt lên, mắt lấp lánh. “Có cái này dễ giải trí hơn nhiều nhỉ!”
Thấy Yuna nói cười vui vẻ, cảm giác khó chịu đeo bám tôi suốt buổi như tan biến. Theo yêu cầu của cô, tôi hướng dẫn qua các thao tác cơ bản. Mọi thứ đều đơn giàn – từ cách bật máy, kết nối mạng, cho đến việc cài đặt những ứng dụng cần thiết.
Khi mọi thứ đã xong, tôi tiện thể lưu số của cả hai vào máy.
Vài ngày sau, trong lúc đang nằm dài trên giường, điện thoại rung lên báo tin nhắn mới. Tin nhắn đến từ Yuna.
Nội dung chỉ vỏn vẹn, “Cảm ơn cậu nhé!”
Tôi nhìn dòng chữ một lúc. Cô ngại nói trực tiếp chăng? Dù sao tôi cũng nhắn lại ngắn gọn, “Không có gì.”
-
Giờ nghỉ trưa ở trường, Shidama bất ngờ mang bộ cờ lật ra rủ tôi vừa ăn vừa chơi. Tôi chưa kịp từ chối, nó đã ghép bàn đằng trước vào bàn tôi rồi bày bộ cờ cùng hộp cơm ra, động tác thuần thục như thể mọi thứ đã được tính toán trước. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành vừa gặm bánh mì mua lúc sáng vừa chơi cùng.
“Ê Ikeda, mày còn nhớ mối tình đầu của mình không?” Đang chơi, Shidama đột nhiên hỏi.
“Năm lớp Bốn. Con bé ngồi cạnh.” Tôi đáp, không buồn ngẩng đầu.
“Tao thì hồi lớp Sáu. Sau đấy thế nào?”
Tôi chỉ còn nhớ mang máng gương mặt của nhỏ ấy. Giờ nó ở đâu, làm gì, tôi cũng chẳng rõ. “Thế nào mà chẳng được. Chuyển lớp xong, tình cảm cũng phai nhạt theo.”
“Tình đầu của ai mà chẳng vậy,” Shidama gật gù, vừa nói vừa khéo léo cầm đũa gắp thức ăn từ hộp cơm. “Nhưng tao nghĩ những thứ nhỏ nhặt nhất mới ít thay đổi. Như món ăn yêu thích, cách ăn cơm, hay số giấy dùng khi xì mũi chẳng hạn.”
“Mày dùng bao nhiêu tờ?” Tôi hỏi.
“Hai tờ, một tờ không đủ đâu.”
Shidama chiếm lấy góc bàn cờ, các quân trắng của tôi đồng loạt bị úp xuống. “Cảm xúc con người, càng quan trọng lại càng dễ đổi thay. Giống như mấy quân cờ này vậy.” Nó buông một câu khiến tôi ngơ ngác.
“Được rồi, triết lý vừa thôi. Tao chẳng hiểu mày đang nói gì cả.”
“Nhưng tao ghét cái sự thật đó.” Shidama thở dài, tiếp tục phát ngôn kiểu triết gia tập sự.
Tôi lắc đầu vừa định phản bác thì chợt nhớ ra. “À, dạo này tao đến thăm Takahashi Yuna, như mày bảo.”
Đôi đũa trên tay Shidama khựng lại giữa chừng. Nó ngẩng lên nhìn tôi chằm chằm.
“Có chuyện gì à?” Tôi hỏi.
“Rồi sao?”
“Sức khỏe bạn ấy ổn. Tao không rõ lắm nhưng trông chẳng giống người sắp chết tí nào.”
Tôi định kể thêm mấy chuyện khác, rằng tôi đã gặp Yuna thêm vài lần, hay đang giúp cô thực hiện những mong muốn trước khi chết. Nhưng cuối cùng, tôi chọn im lặng. Dù sao cũng chẳng liên quan đến nó, kể ra cũng chỉ thêm rắc rối. Thêm nữa, vụ Shidama giấu nhẹm ý định thật sự khi bảo tôi đi thay nó, tôi vẫn còn cảm thấy bực.
“Shidama này, mày có gì muốn hỏi không?”
“Ờ… chắc là số đo ba vòng chẳng hạn?”
“Tự mà hỏi.”
Trông tình hình thì Shidama có vẻ sắp thắng ván cờ, nhưng đột nhiên nó đâm chán, bỏ dở giữa chừng rồi đứng dậy, dù chính là nó là người rủ rê tôi.
“Mày không định gặp bạn ấy à?” Tôi hỏi khi nó chuẩn bị bước đi.
“Giờ chưa cần,” Shidama trả lời, giọng đều đều sau một lúc im lặng suy nghĩ. “Mà tao không thiếu gái.”
“Định tán bạn ấy chắc?” Tôi bật cười, nghĩ rằng nó đang đùa.
Shidama không đáp ngay. Thay vào đó, nó đứng yên, chỉ nhìn tôi đầy khó đoán. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi mất tự nhiên.
Cuối cùng, nó chỉ lẳng lặng quay về chỗ ngồi, không nói thêm lời nào. Thái độ kỳ lạ của Shidama khiến tôi chẳng biết phải nghĩ thế nào.
-
Bà Tanami, mẹ của Yuna, toát lên vẻ nghiêm khắc pha lẫn chút mệt mỏi. Đường nét khuôn mặt bà khá cân đối, ngày xưa chắc hẳn là một mỹ nhân. Nhưng giờ đây, với mái tóc búi đơn giản và gương mặt không trang điểm, trông bà già dặn hơn so với độ tuổi bốn mươi.
“À, hôm nay cháu lại đến nữa à?”
Đó là lần thứ hai tôi gặp bà Tanami. Giọng bà tuy nhẹ nhàng nhưng lại chứa đựng một chút lạnh lùng. Bà chưa từng gọi tên tôi, chỉ gọi “cháu” một cách chung chung, khiến tôi cảm thấy mình giống như một vị khách không mời mà đến. Chắc hẳn trong mắt bà, sự xuất hiện thưòng xuyên của tôi có phần phiền toái.
“Thôi, mẹ về đây. Con đừng đùa nghịch nhiều, ngoan ngoãn ngủ sớm nhé.”
Bà dặn dò Yuna một cách ân cần, rồi rời khỏi phòng bệnh.
“Yoshi này, sao hôm nay cậu ủ dột thế?” Yuna lo lắng hỏi, “Cậu ổn chứ? Không khỏe ở đâu à?”
“À… Không có gì đâu chuyện vặt thôi mà.”
“Sao vậy?”
“Đồng hồ của tớ bị hỏng rồi.” Tôi tháo chiếc đồng hồ trên cổ tay ra, đặt lên bàn để Yuna xem. Kim giờ bị lệnh, mặt kính thì trầy xước. Trên đường đến bệnh viện, tôi sơ ý làm rơi nó xuống vỉa hè, và giờ chiếc dồng hồ chẳng còn hoạt động được nữa.
“Đắt lắm à?”
“Không, cũng bình thường thôi.” Tôi ngập ngừng, rồi khẽ thở dài.
Đây là quà sinh nhật chị Sayuri tặng tôi. Chị ấy mua bằng tháng lương làm thêm đầu tiên hồi học cấp ba. Vậy nên nhìn ra nông nỗi, tôi hơi tiếc.
Yuna cầm chiếc đồng hồ lên, săm soi một hồi lâu. Cô thoáng nét trầm ngâm, nhưng chỉ trong tích tắc, biểu cảm ấy chuyển thành vẻ ranh mãnh đầy mờ ám.
“Yoshi này!”
“Sao nữa?” Tôi đáp, lòng thoáng bất an, tự hỏi liệu lần này lại là yêu cầu gì phiền phức nữa đâu.
“Chúng mình thử làm một việc táo bạo đi.”
0 Bình luận