• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Web Novel

Chương 2 - Cô Hiệu trưởng đang giấu nhẹm tình hình tài chính (2)

4 Bình luận - Độ dài: 3,553 từ - Cập nhật:

Học viện tư nhân Grandis.

Mặc dù có tuổi đời tương đối ngắn so với những học viện khác của vương quốc, chưa kể còn là một trong số những học viện tư nhân hiếm hoi, nhưng nơi đây lại tự hào sở hữu môi trường và chất lượng giáo dục tốt nhất.

Học viện này cũng nổi tiếng vì có cô Hiệu trưởng, một trong bốn cá nhân Cấp 8 của cả vương quốc đồng thời là một võ sư lâu năm từng trải qua vô vàn cuộc chiến, đích thân đứng ra thành lập và phát triển học viện bằng tài sản dành dụm cả đời của mình.

Đội ngũ giảng dạy hàng đầu, học bổng nhiều như nước lũ, trang thiết bị nghiên cứu tân tiến khó mà kiếm được ngay cả ở trong đế quốc thống trị, và những cơ sở an sinh như bể bơi và phòng tập gym.

Các học sinh không khỏi kéo nhau đổ xô đến đây. Đặc biệt, đối với những thường dân thì học viện này chẳng khác nào cơ hội đổi đời.

Tuy nhiên, trong một phòng họp nọ ở Học viện Grandis, một bầu không khí như chiến tranh đang bao trùm.

“...”

“...Hừm.”

“Hây dà…”

Học viên Grandis được phân thành ba khoa chính: Ma pháp, Võ thuật, và Quản trị.

Mỗi khoa lại được chia ra làm nhiều chuyên ngành và trường phái tư tưởng, nhưng về tổng thể thì đây là cấu trúc chung.

Thông thường, ngay cả trong cùng một khoa, thì giữa các giáo sư vẫn sẽ xảy ra tranh cãi khi quyền lợi của họ bị đụng chạm.

Nhưng lần này, tất cả đều đang đoàn kết, chia bầu không khí của buổi họp khổng lồ thành ba phe phái tách biệt.

Người đại diện của từng khoa ngồi trên ba chiếc ghế đã được chuẩn bị sẵn, và đằng sau họ, gần như tất cả các giáo sư của khoa đó đều đang xếp thành hàng.

“Ôi chà, đã một năm rồi nhỉ. Giáo sư Rooster.”

“Giáo sư Elfinviser? Sau buổi họp năm ngoái thì năm nay anh lại là người đại diện à. Tôi đoán không phải võ sư nào não cũng toàn cơ bắp nhỉ.”

“Mấy tên mọt sách núp trong bóng tối nghiên cứu ma thuật như các anh cũng dám nói thế à.”

“Năm nào cũng thế này mà hai anh không thấy chán à? Họ chọn hai anh làm người đại diện đâu phải để các giáo sư võ thuật và ma pháp túm cổ áo lao vào đấm nhau ở đây đâu.”

“Lúc nào cũng ra vẻ cao cao tại thượng, nhưng cô lại luôn là kẻ to mồm nhất mỗi khi đến dịp này trong năm.”

“Giáo sư Ariel, hồi năm ngoái không phải người đại diện khoa Quản trị bị thay thế chỉ sau một ngày sao? Các cô không định thay người thêm lần nữa trước cả khi cuộc họp bắt đầu đâu, đúng không?”

“...Chậc.”

Những lời châm chọc quá đỗi trẻ con so với các cá nhân đủ khả năng làm giáo sư tại Học viện Grandis.

Nhưng từ góc nhìn của họ, quy trình này lại là cần thiết. Phá vỡ tinh thần của các khoa khác trước ‘buổi họp’ sắp tới là một chiến thuật tương đối hiệu quả.

Kể cả có bị gọi là ấu trĩ và vô liêm sỉ, thì họ cũng không thể nao núng ở đây. Kẻ to mồm nhất không phải lúc nào cũng chiến thắng buổi họp, nhưng nếu giọng của một người quá nhỏ, thì họ thậm chí còn chẳng có cơ hội thắng.

Bởi vậy, các cá nhân này giống như những con gà chọi hơn là lãnh đạo hay người đại diện của khoa mình.

Họ được chọn bởi vì họ là những người có chất giọng lớn nhất, mặt dày nhất, và giỏi cãi nhau nhất.

Và lí do các giáo sư của cả ba khoa phải cố gắng đến mức này chính là—

Két.

“Tất cả mọi người có mặt ở đây chưa? Cô Hiệu trưởng gặp chuyện bất khả kháng nên không đến được, vì vậy chúng ta sẽ bỏ qua phát biểu mở đầu và trực tiếp tiến hành buổi họp.”

“Cô Hiệu trưởng gặp chuyện bất khả kháng?”

“Cô ấy phải đến bờ biển phía đông một thời gian.”

“Cô ấy đi nghỉ à?”

“Cũng không phải chuyện gì nghiêm trọng đâu, nên…”

Các giáo sư, mới vừa rồi còn đang thì thầm bàn tán về tin cô Hiệu trưởng đi nghỉ(?) đột xuất ở bờ biển phía đông, nhanh chóng ổn định trật tự.

Đây là một cuộc họp rất quan trọng, được tổ chức chỉ một lần mỗi năm. Việc cô Hiệu trưởng vắng mặt ở một buổi họp thế này có thể làm nảy sinh vài vấn đề, nhưng các giáo sư đều chỉ đang nhìn về phía của một người đàn ông đứng ở trung tâm phòng họp.

Người trẻ tuổi nhất, ít kinh nghiệm nhất, và có cấp bậc thấp nhất trong phòng.

Thế nhưng, cũng giống như buổi họp năm ngoái, cậu ta lại là người được cô Hiệu trưởng tin tưởng giao phó toàn bộ quyền hành.

Trưởng ban Tài chính của Học viện Grandis, Adam Keynes.

Cho đến năm ngoái, người ta vẫn chỉ nghĩ Adam là một tên khốn ngạo mạn nhờ ăn may mà lọt vào mắt xanh của cô Hiệu trưởng.

Nhưng trong phòng họp này, cậu ta rõ ràng đứng ở vị thế của người có quyền.

Ngay cả những con gà chọi của ba khoa, bình thường luôn đề phòng lẫn nhau, giờ cũng đều đang nhìn Adam với nét mặt căng thẳng.

Và cứ như vậy, Adam Keynes, sau khi có được sự chú ý của tất cả các giáo sư tại Học viện Grandis.

“Vậy thì, kể từ lúc này."

"Chúng ta sẽ bắt đầu buổi họp phân chia ngân sách cho từng khoa của năm nay.”

Cậu ta tuyên chiến.

∗ ∗ ∗

Rooster của khoa Ma pháp, Elfinviser của khoa Võ thuật, và Ariel của khoa Quản trị.

Những con gà chọi được chọn năm nay ngay lập tức bổ nhào vào nhau, giương mỏ xòe vuốt.

“Năm ngoái, khoa Ma pháp đã chiếm hơn 50% tổng ngân sách rồi mà! Năm nay mấy người nên rút lui đi!”

“Nhảm nhí! Đấy là bởi Giáo sư Circe của ngành Ma thuật Sinh mệnh đã công bố một bài báo khoa học về potion hồi phục cải tiến! Thành tích ấy ấn tượng đến nỗi hoàng gia còn trao thưởng cho cô ấy nữa. Chúng tôi xứng đáng được hưởng một phần ngân sách phản ánh đúng kết quả làm việc của mình!”

“Nếu lập luận như thế, thì chẳng phải ta chỉ nên chia thêm ngân sách cho riêng ngành Ma thuật Sinh mệnh sao? Dù sao đó cũng là thành tựu của Giáo sư Circe, chứ đâu phải của toàn thể khoa Ma pháp.”

“Elfinviser! Đừng có nói năng linh tinh! Giáo sư Circe cũng là một phần của khoa Ma pháp!”

“Con gái út của Hầu tước phương Bắc được dự kiến sẽ nhập học năm nay. Gia đình Hầu tước vốn nổi tiếng về võ thuật, vậy nên tất nhiên chúng tôi cũng phải được tăng ngân sách, đúng không?”

“Anh đem học sinh ra làm cái cớ để xin thêm ngân sách à!?”

“Giáo sư Ariel, cô hơi nhạy cảm quá rồi. Hay là cô nghĩ nếu tranh luận thế này thì khoa Quản trị, với phần đông học sinh mới là thường dân, sẽ không nhận được tí ngân sách nào?”

“Sao một giáo sư lại có thể nói ra những lời như vậy chứ!”

“Ai nghe cũng sẽ nghĩ là anh đang phân biệt đối xử với thường dân! Con gái út của Hầu tước đâu nhập học một mình! Một vài người hộ tống cũng sẽ nhập học cùng với cô bé, và các tùy tùng của gia đình sẽ báo cáo lại tiến trình học tập của cô bé nữa! Anh không hiểu là tất cả những điều này đều đang góp phần xây dựng uy tín của học viện hay sao!”

“Ý anh là uy tín của khoa Võ thuật à!”

A, cà phê ngon quá.

Ngồi xem chọi gà từ ghế chủ tọa ở chính giữa phòng họp thế này, thì ngay cả cà phê đắng cũng dễ dàng trôi tuột xuống cổ họng.

Dù sao thì, phần đầu của những buổi họp phân chia ngân sách lúc nào cũng toàn mấy màn la hét kém hiệu quả như này. Theo kinh nghiệm năm ngoái của tôi, hiện giờ tốt nhất là cứ im lặng quan sát đã.

Ngoại trừ giáo sư đại diện cho mỗi khoa, thì tất cả các giáo sư khác đều phải giữ im lặng theo luật. Số lượng giáo sư đang có mặt ở đây dễ dàng vượt quá một trăm, và nếu ai cũng nói theo ý mình, thì chỗ này sẽ biến thành cái chợ chứ chẳng phải phòng họp nữa.

Tất nhiên, như vậy không có nghĩa là họ sẽ im lặng mãi mãi. Đã là chuyện liên quan đến phân chia ngân sách năm nay, thì giáo sư nào cũng muốn bày tỏ quan điểm của mình.

Càng nhiều kinh phí và trợ cấp nghiên cứu càng tốt. Những giáo sư duy nhất thấy ổn với việc trợ cấp nghiên cứu bị cắt giảm đều là những kẻ phản bội sắp sửa bỏ khoa mà đi.

Ngay cả những vị giáo sư ngày thường rụt rè, hay những vị giáo sư mới không quen với bầu không khí này, tất cả đều đang nắm chặt mấy bài phát biểu bọn họ đã chuẩn bị từ trước, chỉ chờ đến lượt của mình.

Một khi màn chọi gà theo thông lệ đã kết thúc.

Thì cũng là lúc tiết mục chính bắt đầu.

“Hầu hết ngân sách của khoa Võ thuật đều dùng để mua vũ khí tập luyện và thanh toán chi phí y tế, do đó nó nên được tính vào trợ cấp thay vì một khoản chi ngân sách—”

“—Được rồi. Tôi đã nghe đủ từ cả ba khoa.”

Mặc dù giọng tôi không to đến thế, nhưng những người đại diện đang la hét khản cả cổ vẫn nhận ra và giữ im lặng.

Họ biết rõ. Rằng la hét như vậy không thể quyết định ngân sách sẽ được phân chia thế nào. Nhưng họ vẫn tình nguyện xung phong làm gà chọi, chuyện này cũng có lí do của nó.

Tôi nghĩ một lúc.

“Lần này, chúng ta sẽ lắng nghe khoa Quản trị, Võ thuật, và Ma pháp, lần lượt theo thứ tự đó.”

“Vâng…!!”

“Chậc, tiếc thật.”

“...Không thể nào.”

Cái mà màn chọi gà vừa rồi quyết định chính là thứ tự phát biểu của họ. Cơ bản là xem ai có giọng nói lớn nhất và táo bạo nhất.

Tuy thứ tự có vẻ không quan trọng vì đằng nào tôi cũng phải lắng nghe tất cả mọi người, nhưng đây là cách nghĩ của những kẻ nghiệp dư. Phải nhớ, mọi người ở đây đều là giáo sư của học viện đứng đầu cả nước.

Và bọn họ sẽ trình bày kết quả nghiên cứu và kế hoạch của mình để xin thêm ngân sách.

Tôi không đùa đâu. Tôi phải tự mình lắng nghe và đánh giá tất cả những chuyên ngành từ khoa Ma pháp, Võ thuật, và Quản trị.

Vật lí, hóa học, kĩ thuật di truyền, đại số, xác suất thống kê, quản trị kinh doanh, phương pháp giáo dục, và vân vân.

Hãy thử tưởng tượng tôi phải đến dự một buổi hội thảo khoa học, lắng nghe tất cả các phiên thuyết trình kết quả nghiên cứu và bài báo, rồi tự tay đánh giá từng cái một. Hiển nhiên, thuyết trình sớm là một lợi thế.

Đặc biệt là khoa Ma pháp. Với số lượng thuật ngữ chuyên ngành đồ sộ, bọn họ nhất định phải chiếm được vị trí đầu. Nếu để đến sau khi tôi đã kiệt sức vì phải lắng nghe hơn một trăm giáo viên tiếp thị, khoa Ma pháp mới bảo tôi đi đánh vật với đống từ lóng và kiến thức chuyên ngành kia, thì sẽ chẳng khác nào bọn họ đang tự tay bóp chết ngân sách của mình.

Dù sao thì, sau khi thấy con gà chọi, hay nói đúng hơn, người đại diện của mình không hoàn thành nhiệm vụ, khoa Ma pháp lẳng lặng kéo Giáo sư Rooster về chỗ để khiển trách. Trong khi ấy, Giáo sư Ariel nở nụ cười rạng rỡ và bắt đầu phần thuyết trình của khoa Quản trị.

“Nghiên cứu của tôi lần này là về cấu trúc cơ bản và kế hoạch xây dựng một thành phố nổi. Gần đây, phía hoàng gia đã bày tỏ mong muốn mở rộng thành phố ven biển phía đông, nên nghiên cứu này có ứng dụng thực tiễn rất lớn—”

“—Một bài báo khoa học về phương pháp xây dựng đường bộ cải tiến. Như anh thấy ở trang 124—”

“—Kiến nghị về một định dạng tài liệu mới có thể áp dụng cho toàn vương quốc—”

“Vâng, tôi hiểu.”

Các bài thuyết trình của khoa nghiên cứu tương đối dễ theo dõi. Không phải là vì lĩnh vực nghiên cứu của họ đơn giản.

Mà là bởi hầu hết các giáo sư khoa Quản trị đều từng có kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Họ biết cách truyền tải thông tin đến các lãnh đạo cấp trên, vốn là những người thiếu kiến thức chuyên ngành và cũng chẳng có ý định tìm tòi thêm.

Tri thức đúc kết ra từ kinh nghiệm luôn dễ nghe hơn cả. Hơn nữa, dù không thể sánh với những giáo sư này, nhưng tôi đã từng ôn tập cho kì thi công chức. Vốn hiểu biết của tôi cũng ở mức nhất định.

Trên hết, khoa Quản trị cũng không yêu cầu quá nhiều ngân sách. Ít nhất so với khoa Võ thuật và Ma pháp, thì bọn họ đúng là thiên thần. Tôi thật sự thích họ.

Tôi lắng nghe toàn bộ các bài thuyết trình của họ với tâm thái vô cùng thỏa mãn, rồi quay đầu về phía khoa Võ thuật.

“Thanh kiếm tập mới được phát triển gần đây rất hữu ích. Kiếm này có thể phát hiện lớp màng mana hình thành xung quanh thân thể của những ai đạt Cấp 3 trở lên và tự động làm cùn lưỡi gươm. Chúng tôi muốn đặt mua một lượng lớn những thanh kiếm này—”

“—Về việc xây dựng một võ đường để phát triển các phương pháp tập luyện và kiếm thuật mới—”

“—Để đảm bảo tiến trình giáo dục suôn sẻ cho con gái út của Hầu tước phương Bắc, như đã nói từ trước, chúng tôi yêu cầu được cung cấp những trang thiết bị chuyên dụng—”

“Vâng… Tôi hiểu rồi.”

Khoa Võ thuật không có nhiều nghiên cứu để trình bày. Bọn họ là kiểu người thích đi đấu tập thay vì ngồi bàn giấy ngẫm nghĩ về những chiêu thức kiếm thuật mới.

Bởi vậy, ngân sách được chia cho khoa Võ thuật tập trung chủ yếu vào chi trả vũ khí mới, mở rộng võ đường, và mua potion để hồi phục nhanh chóng.

Thú thật, tôi không thích khoa này lắm. Bọn họ luôn luôn đánh nhau, nên tháng nào tôi cũng phải bỏ tiền ra sửa chữa sân tập. Ước gì bọn họ nghĩ ra chiêu thức nào đó để vung kiếm rớt ra tiền vàng từ hư không.

…Mà kể cả tôi có phàn nàn trong lòng, thì cũng chỉ dừng lại ở đó thôi. Ngân sách của khoa Võ thuật vẫn nằm trong khoảng dự kiến. Tôi chỉ cằn nhằn tại bọn họ tiêu nhiều tiền hơn khoa Quản trị.

Sau khi nghe xong bài thuyết trình của khoa Võ thuật, tôi quay sang khoa cuối cùng.

Mà nói thẳng ra, là mấy con hà mã con bú tiền như nước lã này.

“Để nghiên cứu thuốc thử ma thuật mới, chúng tôi cần mua những trang thiết bị ma pháp mới nhất do Đế quốc phát triển—”

“Để tiến hành thí nghiệm so sánh các loại đá mana nhân tạo có khả năng chạm khắc vòng tròn ma thuật, chúng tôi cần mua những mẫu đá mana—”

“Về phần nghiên cứu ma thuật cơ bản, chúng tôi cần quặng Etherium—”

“...”

Nếu tôi mà là cô Hiệu trưởng, tôi đã lật bàn và hét, “Mấy tên khốn các anh!”

Gì cơ? Trang thiết bị ma pháp mới nhất á? Rồi còn cả mẫu đá mana? Quặng Etherium?

Tôi đảm bảo rằng chỉ tính riêng tiền mua ba thứ bọn họ vừa nhắc tới thôi thì cũng đã là quá đủ để nuôi sống một gia đình bình thường trong vòng 30 năm.

Và vì nhạy cảm với xu hướng mới nhất nên những đòi hỏi của bọn họ cực kì vô lí. Vị giáo sư vừa yêu cầu trang thiết bị ma pháp mới nhất chẳng phải năm ngoái cũng đòi dụng cụ nghiên cứu để phát triển thuốc thử ma thuật à? Bọn họ đem cái đó đổi lấy kẹo rồi hay sao?

Chắc vì đánh hơi được sự bất mãn của tôi, nên bọn họ cố giải thích các thuật ngữ và kiến thức chuyên ngành theo cách dễ hiểu hơn, nhưng khoản ngân sách yêu cầu thì vẫn chẳng hề giảm đi.

Bất kể khoa Ma pháp có đóng góp quan trọng thế nào tới vị trí số một của Học viện Grandis trong vương quốc, thì thế này vẫn chẳng phải là quá đáng lắm sao?

Họ có vẻ bị nghiện phong cách chi tiêu bừa bãi của cô Hiệu trưởng từ trước khi tôi lên làm Trưởng ban Tài chính.

Kể cả là hồi đó, thì nguy cơ phá sản hẳn đã hiện ra lờ mờ rồi, nhưng cô Hiệu trưởng lại giả vờ như không biết và cứ tiếp tục ném tiền vô tội vạ. Tôi cũng chỉ biết phục cô.

“Hết rồi à?”

Theo lẽ tự nhiên, tôi hỏi với giọng cộc lốc. Một vài giáo sư tỏ vẻ khó chịu, nhưng nếu tôi thỏa mãn yêu cầu của mấy người, thì học viện này sẽ phá sản trong năm nay chứ không phải ba năm tới đâu, cái đám thất nghiệp tương lai này.

Sau tất cả, quyết định phân chia ngân sách thuộc về tôi, và nếu các giáo sư nổi nóng thì chỉ tổn hại đến quyền lợi của mình. Chừng nào cô Hiệu trưởng còn toàn tâm toàn ý ủng hộ tôi, thì không có chuyện tôi bị đá khỏi cái ghế Trưởng ban Tài chính này.

Vì không thấy ai nói gì nữa, nên tôi đang định chốt hạ số tiền cho mỗi khoa, thì bỗng dưng có một giáo sư giơ tay lên.

“Vâng, mời cô nói.”

“...Tôi là Giáo sư Circe. Tôi muốn trình bày dự án nghiên cứu của mình với Trưởng ban Tài chính.”

“Xin mời cô.”

Giáo sư Circe à, chẳng phải cô ấy là người bên chuyên ngành Ma thuật Sinh mệnh nghĩ ra cách cải tiến potion hồi phục gì đó sao?

Tuy là một học giả xuất chúng, nhưng cô cũng là một tín đồ sùng đạo đã quyên góp toàn bộ nghiên cứu của mình cho nhà thờ, nên thái độ của mọi người với cô cũng không hẳn là hoàn toàn tích cực.

Lí do duy nhất cô Circe vẫn được làm giáo sư ở đây là vì tin tức vẫn chưa được công bố chính thức, và cô Hiệu trưởng, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, đã quyết định rộng lượng bỏ qua.

Tất nhiên, đây chỉ là quyết định của cô Hiệu trưởng, còn ý kiến của tôi thì khác. Cô Hiệu trưởng khoan dung là bởi ngoại trừ hành động ngu ngốc lần đó , thì cô Circe vẫn là một giảng viên và học giả xuất sắc.

Nhưng kể cả khi nhà thờ mới là nơi sản xuất potion hồi phục, nếu học viện nhận được dù chỉ 10% lợi nhuận thôi, thì thời hạn phá sản đã được đẩy lùi từ ba năm thành sáu năm.

Đây là lí do tôi đang chờ đợi cơ hội. Một cơ hội để xích thật chặt vị giáo sư ăn vụng ngân sách này lại.

Dù sao thì, vì cô là một giáo sư có tiếng trong lĩnh vực Ma pháp dù tuổi đời còn trẻ, nên tôi chỉ nhìn cô như đang ra hiệu, “Cô muốn trình bày gì thì trình bày đi.”

“Tôi đang tiến hành nghiên cứu một loại thuốc thử để phục hồi tóc bị thương tổn, và kích thích mọc lại tóc ở những phần mô da đầu mà chân tóc đã biến mất vĩnh viễn—”

“Duyệt.”

Khoa Ma pháp.

Xác nhận thu về 60% tổng ngân sách.

Bình luận (4)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

4 Bình luận

người hói là một nhóm người đặc biệt bởi vì họ cần được quan tâm và chăm sóc
70% mới hợp lý
Xem thêm