Cách Viết Một Phân Cảnh / Chương
Members

Xin chào! Cũng đã lâu rồi mình chưa chia sẻ thêm thủ thuật gì mới vì quá bận nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt nên mình sẽ đăng một cái hay ho cho mọi người cùng đàm luận nhé.

Chủ đề kỳ này là cách phân chia và triển khai một cảnh/chương sao cho hiệu quả và hấp dẫn. Đợt thanh trừng vừa qua chứng kiến rất nhiều chuyện bị loại vì viết một chương thiếu cao trào. Mình nghĩ vấn đề nằm ở chỗ các bạn chưa hiểu đúng về chương và chức năng của nó nên chúng ta bắt đầu tìm hiểu nhé.


Cảnh là gì và Chương là gì?

Cơ bản thì cảnh là một địa điểm + một khung thời gian + một bộ nhân vật tương tác với nhau. Khi địa điểm hoặc thời gian hoặc góc nhìn nhân vật thay đổi thì cảnh cũng thay đổi theo. Nhiệm vụ của một cảnh thường là để khắc hoạ nhân vật, khắc hoạ bối cảnh, hoặc đẩy diễn biến cốt truyện. Cảnh thường sẽ theo kết cấu sau: Nhân vật ______ muốn ______, nhưng ______, nên ______. Một chương có thể được cấu thành từ một hoặc nhiều cảnh khác nhau.

Chính vì vậy nên nếu tác giả viết ra một chương mà không thể hiện được mục tiêu (yếu tố muốn), rào cản chắn trước mặt nhân vật (yếu tố nhưng), và thái độ/kết luận/cách nhân vật phản ứng hay đáp trả lại thách thức đó (yếu tố nên)  thì chương truyện đó sẽ rất dễ bị xem là thiếu cao trào.

Bây giờ hãy thử lấy một bộ phim hay một câu truyện bất kỳ và phân tích nó theo kết cấu trên xem sao nhé:

Con Tuyết bitch xinh đẹp muốn xí đú tìm ca hát dụ trai, nhưng lại bị bà Hoàng hậu độc ác nghía thấy, nên bả me muốn hại nó chết.

Bà Hoàng hậu muốn giết Tuyết bitch bằng cách sai thợ săn đi moi chym, nhưng thợ săn lại "mềm lòn" trước Tuyết, nên đã thả Tuyết chạy vào rừng.

blah blah blah, do your homework.

Lưu ý là yếu tố nên trong một cảnh không nhất thiết phải đòi hỏi nhân vật đưa ra hành động mà chỉ cần có một sự thay đổi trong tư tưởng là đã đủ rồi. Tuy nhiên, thoả mãn một cảnh không đồng nghĩa với thoả mãn một chương. Đó chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để có một chương truyện cho ra hồn.


Triển khai một chương truyện

Michael Hauge nói, “trong mỗi phân cảnh liền kế nhau, tác giả phải đưa ra được những diễn biến mà trước đây chưa từng xảy ra, một tình huống mới cho nhân vật, một bí mật được tiết lộ, một đồng minh mới gia nhập, một kẻ thù mới để đối mặt, một người tình mới để theo đuổi, một vấn đề mới thậm chí còn lớn hơn để giải quyết, một công cụ mới để giải quyết vấn đề ấy. Nếu những cảnh bạn viết quá tương tự nhau hoặc có thể thay đổi cho nhau, hoặc không có gì đặc biệt xảy ra khi chuyển cảnh thì tức là bạn đang giậm chân tại chỗ.”

Qua lời hướng dẫn này, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn các diễn biến để đưa vào một chương. Hãy lên outline kỹ càng xem trong một chương đó, bạn muốn đưa những nhân vật nào lên sóng, họ mong muốn điều gì, thứ gì cản trở họ, và họ sẽ phản ứng lại ra sao. Đừng nhai đi nhai lại mãi một vấn đề bằng cách tách nó ra thành hai ba chương trong khi nó có thể được giải quyết trong vòng một chương dài và cô đọng hơn. Lạm dụng việc tách chương không những khiến các chương trở nên nhạt nhoà mà còn làm loãng mạch truyện, nhất là khi bạn không đăng thường xuyên. Điều này đặc biệt có hại cho những bạn viết combat vì cảm xúc người đọc sẽ không còn vẹn nguyên nếu trận chiến bị xẻ ra thành nhiều khúc.

Cách mở đầu cũng rất quan trọng. Bạn có thể mở bằng cách miêu tả bối cảnh. Tuy nhiên, đừng chỉ tả cảnh suông mà hãy lồng không khí truyện vào đó. Còn nhớ người ta hay đùa nhau rằng nhiều khi ông tác giả viết bầu trời màu xanh thì ý ổng là bầu trời hôm đó màu xanh thiệt chứ chả có hàm ý gì sâu xa đâu mà ngồi phân tích không? Cá nhân mình nghĩ nếu ông tác giả nào viết kiểu đó thiệt thì ổng chưa làm tốt nhiệm vụ của mình. Biết bao nhiêu thứ không chọn tả mà lại chọn bầu trời. Màu trời biết bao nhiêu cách để tả mà lại chọn màu xanh. Ổng phải có ý gì đó thì mới chọn chi tiết này để viết và ổng nên như thế. Cảnh vật xung quanh như thế nào sẽ phản ánh tâm trạng của nhân vật góc nhìn và báo hiệu cảm giác chung cho cả chương.

Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu bằng hội thoại. Ngay lập tức lôi người đọc vào một cuộc hội thoại vừa có thể giới thiệu những nhân vật sẽ tham gia vào cảnh vừa ngay lập tức thể hiện được vấn đề và mong muốn của họ.

Đôi khi, bạn có thể ứng dụng một số thủ pháp thú vị hơn trong chương của mình như lồng một đoạn flashback vào rồi mới quay lại thời điểm hiện tại. Hoặc flashback và hiện tại luân phiên xen kẽ cũng là một trong những cách thú vị để thể hiện sự đối xứng/tương phản trong cách suy nghĩ và hành động của nhân vật ở hai thời điểm khác nhau. Cá nhân mình đã từng ứng dụng cách này trong chương 54 của bộ Cổ Ngọc. Nhân vật Hoàng tử được dạy kiếm pháp trong những đoạn hồi tưởng và anh ta ứng dụng những kiến thức đó vào tình huống hiểm nghèo trong hiện tại. Hai bối cảnh đó luân phiên nhau thay đổi.

Kết chương là một nghệ thuật. Cái kết đòi hỏi nhân vật phải đưa ra một quyết định, phải thay đổi một cách nghĩ, phải lâm vào một tình huống khó khăn, hoặc phải đụng độ một nhân vật mới. Nói chung, cái kết của chương phải có độ hút, độ móc dính người đọc, khiến họ muốn lật tiếp sang trang mới. Đừng kết chương một cách quá hiền hoà và viên mãn. Như vậy thì còn gì là hứng thú nữa, nhỉ?

Về thủ pháp của phần kết chương cũng có vài chiêu hay ho mình muốn chia sẻ. Cá nhân mình thường chọn cách viết đầu cuối tương ứng. Ví dụ như mình mở đầu bằng hình ảnh nhân vật bị kẹt trong một đoàn nô lệ lao dịch khổ sai, giữa chương nhân vật cố gắng đào tẩu nhưng thất bại, và cuối chương, cô ấy bị phạt, tra tấn, và chứng kiến đoàn nô lệ tiếp tục lao dịch khổ sai như một vòng tròn lẩn quẩn không thoát ra được.

Tóm lại, cũng tuỳ theo thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm và không khí truyện mà tác giả sẽ chọn cách triển khai chương cho truyện của mình. Nhưng an toàn nhất thì đừng quên kết cấu Nhân vật ______ muốn ______, nhưng ______, nên ______. nếu bạn vẫn chưa biết bắt đầu ở đâu và kết thúc thế nào nhé.

Thân chào quyết thắng.

Truyện sáng tác

11 Bình luận

Đoạn "mở đầu bằng hình ảnh nhân vật bị kẹt trong một đoàn nô lệ lao dịch khổ sai, giữa chương nhân vật cố gắng đào tẩu nhưng thất bại, và cuối chương, cô ấy bị phạt, tra tấn, và chứng kiến đoàn nô lệ tiếp tục lao dịch khổ sai như một vòng tròn lẩn quẩn không thoát ra được." là ở chương nào vậy bác đại? (Ko đọc truyện nhưng thấy kích thích) :)
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Chương 74, Quyển 1, Huyền Thoại Cổ Ngọc ạ. '.'
Xem thêm
@oceannguyen: cảm ơn bác
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
@Margolet: sau đó qua đọc bài này~
Xem thêm
Cảm ơn bác nghen :D
Xem thêm
Bên cạnh đó cũng một nguyên tắc viết khác nữa, tuy ít người sử dụng nhưng cũng khá hữu ích khi bị dậm chân tại chỗ, đó phương pháp "Rẽ nhánh ngược có chọn lọc". Có vẻ một thuật ngữ lạ nhưng nó có nghĩa là: Đưa một kết quả mà muốn từ trước suy luận ngược vấn đề để tìm nguyên nhân(có thể một hoặc nhiều), sau đó tìm giải pháp cái thúc mắt, để giải quyết thúc mắt đó thì cần những ai, họ sẽ làm gì, có khả năng đó không?. Và sẽ có hai lựa chọn một đi theo chiều hướng đã chọn hoặc tiếp tục cũng một kết quả đi theo hướng khác để phù hợp với tình huống...
Ví dụ: Gone with the wind (cuốn theo chiều gió) của Margaret Mitchell. Cô thường viết cái kết trước, suy luận tình tiết cốt truyện, rồi quay lại viết đoạn mở đầu,...
Xem thêm
TRANS
"Khúc mắc: chứ bác :v, mà, cảm ơn vì lời khuyên :D. Thế là tiếp tục có thứ cần phải luyện :))
Xem thêm
@Dawn Of Life: Luyện nguyên tắc viết này rất khó, nhưng nếu u làm được điều này thì sẽ chinh phục được mọi tình huống oái ăm cân não. Tóm lại u sẽ trở thành nhà văn thực thụ.
Xem thêm
Xem thêm 2 trả lời