Tại sao người ta lại thích một câu chuyện mà nhân vật chính bị cho ăn hành đến tàn tạ? Phải chăng vì họ thích cười trên sự đau khổ của người khác?
Không phải vậy. Câu trả lời là do những bất hạnh xảy đến với nhân vật khiến câu chuyện trở nên thật hơn, “đời” hơn, vì vậy nên “đáng tin” hơn và dễ gắn bó, kết nối với độc giả hơn. Vả lại, ai mà không mê cái khoảnh khắc mà nhân vật đứng lên sau biết bao gian truân thử thách để quay sang vả lệch hàm bọn phản diện chứ?
Vậy bài viết hôm nay sẽ cùng các bạn mổ xẻ xem làm thế nào để viết Tragedy - Drama cho ổn ổn một chút nhé.
1. Đầu tiên, tragedy/drama là gì?
Theo định nghĩa thì thể loại tragedy/drama xoay quanh những sự kiện bất hạnh trong cuộc sống của nhân vật trung tâm (cách phân biệt nhân vật chính, nhân vật trung tâm, và các kiểu nhân vật khác sẽ được đăng trong tương lai gần ạ) và thể hiện thái độ, phản ứng của họ đối với những sự kiện ấy.
Vậy qua định nghĩa này, ta đặt ra một câu hỏi khá thú vị: Tragedy/drama chỉ bao hàm những sự kiện đau lòng, đúng hay sai?
Trả lời: Sai. Là một tác giả, các bạn nên phân biệt rạch ròi “những sự kiện bất hạnh trong cuộc sống của nhân vật.” Vậy tức là cả tác giả lẫn độc giả đều phải đứng dưới góc nhìn của nhân vật mà nhận xét, chứ không phải sử dụng góc nhìn chung trong cuộc sống đời thường. Có những trường hợp mà nhân vật sinh ra trong nhung lụa, có sức mạnh vô địch, song cuộc sống đó đối với họ vẫn là một tấn bi kịch.
Nguồn cơn của những tragedy/drama này thường nằm ở chính hành động/sự lựa chọn của nhân vật, hoặc từ một thế lực nào đó mà nhân vật không thể chống lại được.
Mục đích của tragedy/drama là kích thích cảm xúc uất ức nơi độc giả, khiến họ đau cái đau của nhân vật, lo lắng, sợ sệt, hi vọng, và chờ đợi một bước ngoặc mới cho nhân vật của họ.
Hiểu được mục đích của tragedy/drama sẽ cho tác giả cái nhìn rõ ràng hơn trước khi đặt bút (hoặc ngón tay) xuống và bắt đầu hành hạ nhân vật của mình.
Triển khai tragedy/drama trong truyện
Tuyệt đối không cho nhân vật ăn hành chỉ vì tác giả thích như thế, hay chỉ vì tác giả cần một nhân vật thảm thương để phản ánh không khí bối cảnh. Với cương vị là người cầm bút, các bạn đang chịu trách nhiệm cho cuộc sống của nhân vật, vậy nên phải thận trọng một chút.
Hãy đặt một số câu hỏi sau:
- Người này có đáng bị rơi vào tình huống đó không? Mỗi tấn bi kịch xảy ra đều có lý do và hệ quả của nó (hiệu ứng cánh bướm). Nếu nhân vật A bị cưỡng hiếp thì câu chuyện tình tương lai của A sẽ như thế nào? Nếu cha mẹ B bị giết thì cách B nhìn đời sẽ thay đổi ra sao? Nếu C bị bạn bè lừa sạch gia tài thì C liệu có còn tin vào kẻ khác? Mỗi một tình huống, mỗi một sự lựa chọn của nhân vật đều phải được suy xét cụ thể để phù hợp với mạch truyện chính mà tác giả đã lên kế hoạch trước (ơ, mà các bạn đã lên kế hoạch cho truyện của mình chưa? À, okay…)
- Tại sao lại là thảm kịch này mà không phải thảm kịch kia? Tại sao tác giả lại cho nhân vật A bị cưỡng hiếp mà không phải là bị bắt cóc và tra tấn? Có lẽ là vì chặng đường tương lai của A sẽ gặp phải một người yêu cô ấy tha thiết nhưng không thể nào khiến cô ấy mở lòng được vì không sao giúp cô vượt qua được bóng tối quá khứ. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lên kế hoạch từ trước. Tôi đã từng đọc những tác phẩm và xem những bộ phim mà nhân vật trung tâm đang hết sức bình thường nhưng đùng một cái, tác giả tiết lộ quá khứ nhân vật đó từng bị abcxyz một cách hết sức bất ngờ. Điều này không thuyết phục và khiến độc giả cảm thấy bị lừa, thậm chí còn không cảm được nỗi đau của nhân vật.
- Và điều trên dẫn đến lưu ý này. Muốn để độc giả gắn kết với nhân vật và cảm được tấn bi kịch của họ thì tác giả bắt buộc phải dành cho hai bên thời gian làm quen với nhau. Độc giả bắt buộc phải có một giai đoạn theo chân nhân vật, cảm thấy hứng thú, muốn được kết nối với nhân vật đó thì khi bi kịch xảy ra mới có thể khơi được cảm xúc nơi người đọc. Chương 1 nhân vật A xuất hiện cười nói mấy câu. Chương 2 bị một bầy đè ra hiếp. Chương 3 cả nhà bị giết. Chương 4 bị lừa bán vào nhà thổ. Như thế này chỉ khiến người ta cười khẩy rồi bình luận hai chữ “nhọ quá.” chứ chẳng có chút xúc cảm nào.
- Điều này đúng với cả nhân vật trung tâm và nhân vật phụ. Một số trường hợp các sự kiện bất hạnh không xảy ra trực tiếp với nhân vật trung tâm mà rơi vào nhân vật phụ và gián tiếp gây ảnh hưởng lên nhân vật trung tâm. Ví dụ như cái chết của cậu Ben trong Spider-man vậy. Độc giả được tiếp cận với nhân vật Ben trước, được thấy mối quan hệ giữa Ben và Peter Parker, được thấy tình cảm và sự gắn bó giữa họ nên khi Ben chết, người đọc sẽ cảm được cú sốc tinh thần này đối với người anh hùng.
Tổng kết lại: Để xây dựng được nhân vật và mạch truyện mang tính tragedy/drama, nên nhớ kết cấu sau:
(1) Giới thiệu nhân vật —>
(2) Phát triển nhân vật, tạo sự kết nối —>
(3) Các manh mối nhỏ dẫn đến bi kịch —>
(4) Bi kịch diễn ra, cao trào —>
(5) Cách nhân vật phản ứng (tuyệt vọng, giận dữ, hay quyết tâm đáp trả) —>
(6) Chặng đường chông gai của nhân vật —>
(7) Gần như đạt được mục tiêu, khắc phục được hậu quả của tấn bi kịch —>
(8) Thất bại, một bi kịch khác xảy ra —>
Lặp lại bước 5 tới 8 cho đến khi đạt được hiệu ứng mong muốn —>
(9) Kết cục (có hậu, vô hậu, mở)
Tăng cường tính tragedy/drama cho truyện:
Nhân vật phụ hoạ thường được sử dụng để tăng cường và làm nổi bật hơn thảm kịch của nhân vật trung tâm.
Trong một số trường hợp, tác giả có thể giới thiệu một nhân vật phụ — người cũng chịu chung một số phận với nhân vật trung tâm, nhưng cách họ phản ứng lại khác với nhân vật trung tâm. Có thể họ sẽ không vượt qua được nghịch cảnh và cuối cùng tự kết liễu bản thân mình; có thể họ tha hoá và trở nên cực đoan, gây ra nhiều chuyện điên rồ để trả thù đời; có thể họ rúc vào vỏ ốc, hoặc xù lông nhím để tự bảo vệ mình.
Có muôn vàn cách để phản ứng lại một sự kiện trong đời, nhưng với vai trò tác giả, các bạn được quyền lựa chọn cách phản ứng của nhân vật phụ để làm nổi bật lên chặng đường của nhân vật trung tâm và khiến độc giả của mình thương cảm hơn, khinh rẻ hơn, hoặc phẫn nộ hơn cho nhân vật trung tâm.
Khi cuộc đời ném cho bạn một trái chanh, có người đem vắt thành nước, thêm đường uống cho mát; có người ngồi đấy than chua; có người chọi lại vào mặt cuộc đời.
__
Lời cuối cùng muốn nói với các bạn đang muốn viết tragedy/drama:
Con người là một sinh vật kỳ lạ. Họ không để tâm lắm đến những kỷ niệm vui, nhưng khi có chuyện buồn, chuyện đau lòng xảy ra thì họ lại nhớ mãi không quên. Vì vậy, viết truyện buồn khó hơn rất nhiều so với viết truyện vui.
Muốn người ta buồn chung với mình, nhớ hãy thả mồi họ, cho họ yêu mình say đắm, rồi mới từ từ mà dìm họ vào bể khổ, nhưng nhớ luôn chừa cho họ một chút ánh sáng cuối đường hầm, để họ khắc khoải chờ ngày sóng yên biển lặng và đóng quyển truyện lại với một nụ cười mãn nguyện, một cái thở phào nhẹ nhõm (hoặc mỗi ám ảnh đen tối lơ lửng trên đầu suốt mấy tháng trời, tuỳ độ tàn độc của tác giả).
Và nhớ, đừng hành hạ nhân vật vô cớ. Mọi thứ đều quá nguyên nhân và hệ quả của nó.
__
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn ạ!
55 Bình luận
Lưu ý bổ sung: Tragedy hay Drama âu cũng là sản phẩm của con người từ cuộc sống. Nó không phải là thứ nằm trên giấy, mà là điều xảy ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, thậm chí là hàng giây đang trôi đi. Nó là hiện thực của chúng ta.
Một hiện thực sẽ là vô "thực" khi nó chỉ nằm trên giấy và chỉ làm một vai trò là đóng góp cho đủ vào tag.
Một hiện thực sẽ là "thực" khi nó phản ánh cuộc sống, không phải của chúng ta, mà là của họ, những đứa con được tạo ra bởi chúng ta.
Điều phản ánh chúng ta ở Tragedy, nếu các bạn có muốn hỏi thêm, thì các bạn đã có câu trả lời.
Bởi...
Các bạn viết Tragedy hay Drama để làm gì?
Có một số người làm về cả Heroic Route rồi các Character Sets nữa thì phải, nhớ là không thiếu. Mà tôi thích giảng kiểu có tương tác hơn, kiểu voice chat hay gì đấy, dễ tiếp thu với dễ giải đáp hơn, miễn không loạn quá là được.
Rất mong bài viết này được mod pin vào trang thảo luận, bằng không lại trôi mất một bài hay ho và hữu ích. ^^
Còn về những cảnh dã man thì ngoài việc dùng từ ngữ đặc tả vết thương ra thì nên tập trung vào cảm xúc của nhân vật. Bị thương thì ai cũng đau, nhưng đau như thế nào, có thể so sánh với cái gì, nỗi đau tinh thần so với nỗi đau thể xác, ngoài đau ra thì còn cảm thấy gì khác không, như sợ, thất vọng, bàng hoàng chẳng hạn, phản ứng của nhân vật là gì. Với lại, theo tôi quan trọng nhất khi viết cảnh dã man là không khí. Nên build up cái không khí căng thẳng từ trước rồi mới để những chi tiết dã man diễn ra để làm cao trào. Cái này để nói cho kỹ chắc phải cần cả một bài viết.
hay đó
Mị cũng đang viết một bộ Drama đây! Nhờ post này mà mị có thêm tí kiến thức!
Thank chủ post nhìu nhìu nhìu!!!!!
Mà nếu có thể lặp lại các bước (5) -> (8) nhiều lần thì cũng đồng nghĩa có thể chồng chéo bi kịch lên nhau nhỉ? Và nếu bỏ qua bước (7) thì có sao ko? (Kiểu chưa kịp khắc phục cái này thì cái kia chồng vào luôn ấy :) )
Lấy ví dụ xem nhé :v Nếu bây giờ FB bất ngờ đăng một bài báo về cuộc sống cơ cực của một người nghệ sĩ đường phố nào đó thì cái mà người đọc quan tâm chỉ thường là người nghệ sĩ đó từng nổi tiếng ra sao và lý do tại sao ông ta/ cô ta trở nên cực khổ đến như vậy.
Vì thế, tragedy, drama nó không hẳn là viết về những bi kịch mà còn là viết về sự hạnh phúc :) Bạn không nghe lầm đâu, thực tế là nó viết về sự hạnh phúc đấy :) Vì nếu không trải qua hạnh phúc thì con người sẽ chẳng bao giờ biết đến sự đau khổ.
Trong quá trình viết về thể loại này, điều mà mọi người cần chú ý đó là các mốc thời gian của nhân vật và xây dựng tâm lý của nhân vật sao cho vững nhất có thể. Cần chú ý sự thực tế trong mạch truyện, và nên nhớ mối quan hệ của người và người trong thể loại này là thứ vô cùng quan trọng. Bạn không thể chỉ vì một người vừa quen 2, 3 tháng mà trở nên "đau khổ cùng cực" được, do đó, thời gian của các mối quan hệ trong truyện cần phải được kéo dài. Càng thân thiết càng tốt, càng sâu đậm càng tốt. Phải thể hiện được giá trị của nhân vật A đối với nhân vật B có tầm quan trọng như thế nào. Nó đã thay đổi cuộc sống của nhân vật B ra sao. Vì chỉ có như thế thì độc giả mới cảm thấy được tình cảm của hai nhân vật đối với nhau sâu đậm như thế.
Còn về phần bi kịch của nhân vật :v sẽ tốt hơn nếu nó diễn ra vào lúc tình cảm của hai nhân vật đối với nhau ở mức đỉnh điểm :) Nó sẽ gần như tạo ra một cú sốc tâm lý lớn vừa đối với nhân vật chính, vừa đối với độc giả. Nhiều khi nó sẽ khiến cho độc giả cảm thấy ám ảnh nếu như bạn miêu tả tốt tâm lý nhân vật khi đối diện với bi kịch ấy. Phần ngoại cảnh cũng đóng một phần quan trọng đấy, một buổi mưa nhẹ trong nghĩa trang, một căn nhà rực cháy trong biển lửa hay một chiếc giường bệnh hiu quạnh với bốn góc tường trắng chắc chắn sẽ để lại một ấn tượng khó phai đối với mọi người.
Còn về quãng thời gian mà nhân vật trải qua sau bi kịch trên :) sẽ tốt hơn hết nếu bạn không để nhân vật chính vượt qua nó mà phải khiến cho anh ta/cô ta chấp nhận sống chung với nó, như một vết thương liên tục rỉ máu trong lồng ngực. Rất khó để khiến một con người có thể vực dậy khi họ phải đối diện với bi kịch cuộc đời, họ sẽ để nó trong một góc khuất nhưng sẽ chẳng thể nào quên được nó đâu.
Hãy tạo cho nhân vật một thói quen xấu sau khi trải qua bi kịch ấy vì nó sẽ thực tế hơn :) Như nhân vật của toi, sau khi anh ấy mất đi người quan trọng nhất của cuộc đời mình, anh đã đâm ra nghiện rượu và thuốc lá vì chỉ có cơn say và khói thuốc mới có thể giúp anh quên đi nỗi buồn. (Hoặc là nghiện bia với Fornite cũng ổn :)) ). Nếu bạn muốn cho thêm gia vị thì có thể kê một liều thuốc an thần cho nhân vật của mình.
Đó chỉ là một phần góp ý nhỏ của toi :v Châm ngôn khi viết drama của toi.
"Để thực sự cười, anh phải lấy nỗi buồn của mình ra và chơi đùa với nó."
Thôi lượn đây.
JohnSmith.