Hồi Ba: Một buổi cà phê
Chương 6: Sự nhân nhượng then chốt và cuộc gặp gỡ cuối cùng
2 Bình luận - Độ dài: 11,366 từ - Cập nhật:
“Chú mua giùm cháu tờ báo đi chú.”
Vừa đặt chân xuống trạm dừng xe buýt, một cô bé bán hàng rong lập tức xồ lại năn nỉ tôi như vậy.
Nếu phải nhận xét gì đó, thì tôi đồ rằng cuộc chạm mặt này hoàn toàn nằm ngoài chủ đích của mình. Đáng lẽ ra tôi và cô bé kia sẽ không thể nào gặp nhau vào hôm nay, Chủ Nhật ngày 15 tháng Tám, nếu mọi thứ diễn ra theo một lẽ thường tình.
Thông thường tôi sẽ từ chối thẳng thừng lời đề nghị của cô nhóc, nhưng không hiểu sao lúc này đây tôi lại thấy ngờ ngợ. Chẳng phải mặc cảm tội lỗi hay lòng trắc ẩn tự dưng dâng lên, tôi khá chắc như vậy.
Chỉ là có gì đó ở cô bé làm tôi chùn bước.
Nói chính xác hơn tôi cứ thấy cô nhóc này quen quen.
Sờ cằm ra vẻ đăm chiêu, tôi cố lục lại trí nhớ.
Mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt nhem nhuốc vì lăn lộn ngoài đường, cô bé này chắc tầm bảy, tám tuổi là cùng. Ôm sấp báo giấy quá khổ trước ngực, cô nhóc liên tục cạ vai chiếc áo phông rộng thùng thình đã đổi màu cháo lòng vào chân tôi.
Nghĩ thế nào cũng thấy có gì đó thật quen thuộc.
Và khi trí nhớ chịu chứng minh độ hiệu quả của nó, cuối cùng tôi cũng nhận ra danh tính của cô bé này.
Phải. Phải rồi. Sao tôi quên được chứ?
Vì đây chính là con nhóc ngang ngược cầm bay ngịch giun đất đã định đồ sát tôi lúc còn ở dạng mèo hồi dịp trước đây mà.
Thật không ngờ lại có ngày chúng ta tái ngộ cơ đấy. Trái Đất đúng là tròn mà.
Và tất nhiên nhìn tình trạng của con nhóc trước mặt, tôi không khỏi nảy sinh những dự đoán về hoàn cảnh của nó hiện giờ. Suy cho cùng chúng ta đều là những kẻ khốn khổ cả, tôi nghĩ vậy mà thấy nhột nhạt.
Nhưng ít nhất thì những điều tốt đẹp chưa hẳn đã tuyệt chủng hết thảy. Bởi dù sao ngay lúc này, mọi hiềm khích của tôi với con bé này cũng tắt ngấm hết cả rồi. Tôi không phải một kẻ thích thù dai, điều đó đúng nhưng tôi vẫn ủng hộ cách giải thích rằng, đôi khi chỉ cần nắm được những tình tiết còn thiếu của câu chuyện, con người ta dễ dàng thay đổi cách đánh giá mà bày tỏ sự đồng cảm với hành động của nhân vật.
Xem chừng tôi chẳng thể phán xét con nhóc một cách khắt khe được.
“Cho anh một tờ. Tờ trên cùng ấy.”
Dựa lưng vào cái cột chỗ trạm dừng, tôi thò tay vào túi móc tiền.
Con bé liền nở nụ cười để lộ hàm răng trắng xinh, hồ hởi nói.
“Năm ngàn của chú ạ!”
Vừa nói nó vừa rút tờ báo và giơ về phía trước.
Thấy vậy tôi bèn dúi vào tay cô nhóc tờ mười ngàn. Không cần thối lại đâu, nó nghe thấy tôi nói thế thì mừng rỡ ra mặt, cười tươi roi rói mà miệng thì cứ rối rít cảm ơn.
“Cháu chào chú ạ!”
Cúi đầu xong một cái, con bé liền chạy vù đi như thể có việc gì đó quan trọng lắm vậy. Có lẽ là mua đồ ăn vặt hay đồ chơi gì đó chăng? Mà thôi, từ đây cũng không phải chuyện để tôi quan tâm nữa rồi.
Nghĩ như vậy, tôi tiếp tục bước về phía con dốc trước mặt với tờ báo kẹp bên nách. Khi nào xong việc về tới nhà rồi lấy nó ra đọc cũng chưa muộn. Đằng nào nội dung tờ báo chẳng phải điều gì quan trọng cho lắm, bởi lẽ lí do tôi mua nó phần nhiều là để một cách giải quyết duyên nợ với con nhóc kia vậy.
Điều này có làm tôi trở nên kì cục không? E là có. Nhưng kệ nó đi sẽ tốt hơn.
Giờ thì gạt chuyện đó qua một bên, tôi cần tập trung tìm đường mới được. Đã nhiều hơn một lần tôi cuốc bộ trên con dốc thoai thoải này, nhưng xem chừng nó vẫn chưa thực sự khắc sâu vào bộ nhớ của tôi cho lắm.
Càng tiến về phía trước, mái nhà càng thưa thớt, thay vào đó là những rặng cây mọc san sát, cành xòe cả ra hai bên đường. Nhìn cái cảnh này thì dù có đang mùa hạ đi nữa người ta vẫn thừa sức cảm thấy khoan khoái rười rượi. Nhưng tôi thì chẳng có thời gian mà tận hưởng điều đó khi mà cứ đi được vài đoạn lại xuất hiện mấy ngã rẽ lạ hoắc. Dù chúng đều có biển tên đầy đủ cả nhưng vẫn không giúp ích được gì đáng kể bởi ngay từ đầu tôi đã chẳng có một cái địa chỉ cụ thể rồi.
Chân và lưng tôi bắt đầu nhưng nhức bất chấp sự hiện diện của mấy miếng dán giảm đau.
Nhưng tại sao tôi lại mò tới chốn xa lạ này để rồi bị lạc đường ấy hả?
Ừ thì mọi thứ đều có nguyên cớ của nó cả. Nhưng tôi sẽ tiết lộ sau đây mới được, bởi chân tôi bắt đầu đến giới hạn của nó rồi. Và tôi vẫn nhớ có một nhà văn nổi tiếng từng viết đại ý rằng, khi người ta đau chân thì sẽ chẳng lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác. Giờ đây khi trực tiếp trải nghiệm điều đó rồi tôi mới có dịp trầm trồ về tính đúng đắn của nhận định nọ, ít nhất là về mặt câu chữ chứ chưa đề cập gì tới phần hàm ý cả.
Chỗ đau lại nhói lên một cái khi tôi cố chấp mà bước tiếp.
Ấy cũng là lúc sự kiên nhẫn của tôi dần cạn kiệt. Nếu đến ngã rẽ trước mặt mà vẫn chưa ra được đường thì tôi sẽ quay đầu về nhà, đặt ra dấu chấm hết cho cuộc viếng thăm bất đắc dĩ tới rìa ngoài thành phố này.
Vậy nhưng ngay sau khi tập xác định như vậy thì chẳng bao lâu nơi cần đến đã hiện ra trước mắt tôi. Khó mà nói rằng điều này tốt hay không tốt dưới góc nhìn của tôi lúc này, nhưng trớ trêu chắc chắn sẽ là một tính từ phù hợp.
Từ đường cái gần nhất rẽ vào hơn trăm mét, không khó để nhận ra một khuôn viên rộng rãi bao quanh bởi hàng rào sắt với điểm nhấn là ngôi nhà mái ngói hai tầng nằm len lỏi sau rặng cây. Và vì phản chiếu lại ánh nắng nên màu sơn trắng của bức tường gạch là thứ nổi bật hơn cả, làm tôi đứng cách xa vẫn có thể nhìn thấy được.
Phải rồi.
Với miêu tả như vậy thì đây chỉ có thể là căn nhà của hai chị em Anh Đào và Anh Thảo mà thôi.
Và chỉ vài phút sau, tôi, bằng một cách bất ngờ nào đó, lại đang đứng trước cánh cửa gỗ đóng im lìm nọ mặc dù trước đó không lâu đã tự nhủ rằng sẽ chẳng bao giờ quay lại đây thêm một lần nào nữa.
Ngay cả tôi cũng phải bất ngờ trước quyết định của chính mình. Sau tất cả những cân nhắc và suy nghĩ, thật khó để nói rằng tôi không bị thôi thúc làm việc này. Ai mà biết cơ chứ, có lẽ tôi thực sự mong đợi điều gì đó.
Thở dài một hơi, rồi không chần chừ thêm nữa, tôi nhấn nhẹ cái chuông cửa màu đỏ. Tiếng kính coong vang lên hai lần vọng khắp căn nhà.
Sau đó thì, im bặt.
Không có lấy một tiếng động đáp lại. Nhân tiện tôi bèn chỉnh lại mấy nết gấp trên áo cho thẳng thớm. Chờ một chút tôi từ từ nhấn chuông thêm lần nữa, và kịch bản vẫn lặp lại y như cũ.
Hình như không ai ở nhà cả? Hay là có người đang muốn thử thách sự kiên nhẫn của tôi chăng? Hôm nay là Chủ Nhật, Anh Thảo vẫn đi làm, nhưng chị cô ấy thì đâu có mà nhỉ?
Thôi đủ rồi, dù là trường hợp nào thì tôi cũng chẳng cần giữ lấy mấy cái phép lịch sự này làm gì nữa. Gần đây chẳng có nhà dân nào nên tôi không phải lo về việc làm phiền người khác...
Với cái suy nghĩ như vậy tôi lại tiếp tục nhấn chuông. Cái nút nhỏ màu đỏ liên tục bị tôi công kích không thương tiếc. Và chỉ đến lần nhấn thứ ba mươi có dư, tôi mới nghe thấy một giọng nói rõ ràng là đang bực mình vọng ra từ sau cửa.
“Ra ngay đây! Làm cái quái gì thế!? Đừng có bấm chuông nữa!”
Rất nhanh sau đó là tiếng cành cạch của chốt khóa, và cánh cửa sơn trắng bắt đầu rục rịch mở.
Vừa định mở miệng phàn nàn vì sự chậm trễ, tôi khựng lại ngay tắp lự.
Bởi trước mặt tôi lúc này là một cô gái chỉ mang trên mình độc bộ đồ ngủ màu xanh nhạt bằng vải lanh. Mái tóc bù xù buông thõng chấm lưng, cô nàng nhìn tôi bằng ánh mắt hết sức uể oải.
Vấn đề ở đây là...
Vẻ bề ngoài của cô gái này quá giống Anh Thảo làm tôi không khỏi bất ngờ. Cũng may sau một thoáng bối rối tôi nhanh trí đưa mắt xuống ngực cô nàng nên mới nhận ra được danh tính của cổ.
Ý tôi là vì trên ngực áo của cô ta có gài một cặp kính dày cộp nên rõ ràng đây chính là Anh Đào rồi.
“Anh nhìn cái gì thế?”
“Ờ, ờm... Không có gì.” Tôi vội đánh mắt sang bên trái rồi nhân tiện đổi luôn chủ đề “Với cả, tôi có chuyện này muốn bàn luận và chắc hẳn cô sẽ rất muốn nghe đấy.”
Nghe thấy vậy Anh Đào nhìn tôi hoài nghi. Khuôn mặt lộ rõ vẻ “thật là phiền phức” kia trông như muốn đuổi tôi về vậy. Sau cùng, cô hỏi với ý thúc giục.
“Sẽ tốt hơn nếu anh cho tôi biết luôn đó là chuyện gì?”
Chẳng tốn thời gian đôi co, tôi liền trả lời.
“Là chuyện liên quan đến chuyến bay ba năm trước.”
Lông mày Anh Đào rướn nhẹ lên một cái. Trong thoáng chốc cô im lặng nhìn tôi soi xét. Và rồi cô nàng nghĩ thế nào đó, bèn ngoắc ngón tay ra hiệu.
“Vào đi.” Cô nói.
Sau đó, quay lưng bước đi một cách uể oải, Anh Đào lết đôi dép lê trên sàn tạo nên những tiếng quèn quẹt đầy cẩu thả. Có lẽ khách sáo cũng chẳng để làm gì, tôi bèn lẳng lặng theo sau cô nàng, để mặc cho cánh cửa gỗ vẫn đang mở toang hoang.
Nhìn một vòng.
Cách bài trí phòng khách không có xáo trộn gì đặc biệt cả. Nó vẫn mang cái vẻ nửa lộn xộn nửa ngăn nắp với la liệt tranh tĩnh vật treo trên tường, giá để đĩa nhạc gần lối đi và những chiếc bình hoa nhỏ được bài trí ở trong góc. Tất nhiên không thể không kể đến chốn thân thuộc của tôi trong suốt quãng thời gian tạm trú dưới mái nhà này: cái ổ bằng vải vụn và bông gòn do chính tay Anh Thảo làm.
Đặt trên bậu cửa sổ phòng khách, cái ổ vẫn tinh tươm và sạch sẽ mặc dù đối tượng sử dụng không phải là một con người nữa. Hiện giờ nó đang trống không.
Có chút tò mò, tôi bèn lên tiếng hỏi.
“Không liên quan nhưng con mèo kia đâu rồi?”
“Có người mượn rồi.” Anh Đào đáp lại một cách uể oải.
Dù sao con mèo cũng thuộc sự sở hữu của Anh Đào, và bởi giờ nó và tôi đã tách bạch hoàn toàn, chẳng còn ràng buộc gì với nhau nữa nên tôi không nghĩ mình có thể ý kiến gì về chuyện đó. Nhưng dưới phương diện là người ngoài nhìn vào, tôi thiết nghĩ cô ta nên quan tâm nhiều hơn một chút tới vật nuôi của mình. Sở dĩ tôi có cái suy nghĩ như vậy cũng bởi những gì bản thân được chứng kiến về cái cách Anh Đào đối xử với con mèo kia.
Bị lôi ra làm vật thí nghiệm, và giờ thì trở thành món đồ cho mượn không chút chần chừ...
Thật là một con mèo tội nghiệp.
Thôi thì kệ vậy chứ biết làm sao. Tôi không phải thành viên của mấy tổ chức phúc lợi động vật nên cũng chẳng cần quan tâm quá tới những việc này làm gì. Vả lại tôi đến đây vì một lí do khác quan trọng hơn nhiều. Do đó sẽ tốt hơn nếu tôi gạt hết những thứ lan man và chỉ tập trung vào vấn đề chính.
Nghĩ như vậy, tôi bèn quay ra nhìn Anh Đào, người vừa ngồi phịch xuống chiếc sô pha dài nhất với tư thế hết sức thoải mái mặc kệ mọi sự soi mói của vị khách đang ở trước mặt mình. Sải tay trải dọc theo thân ghế, Anh Đào ngửa đầu về phía sau mà hướng mắt lên trần nhà.
Chẳng rào đón hay hỏi han gì, rõ ràng là cô nàng không có ý định tiếp khách một cách tử tế. Thôi thì nhập gia tùy tục, ném tờ báo đang kẹp trong tay lên mặt bàn nước, tôi đành tự động hạ mình xuống chiếc sô pha đơn ở phía đối diện.
“Thế, anh có gì quên nói với tôi à?”
Tôi vừa kịp an tọa thì Anh Đào lên tiếng. Giọng điệu uể oải của cô thực sự làm tôi cảm thấy không thoải mái cho lắm. Niềm nở một chút thì sẽ tốt hơn cho không khí cuộc nói chuyện, nhưng Anh Đào xem chừng chẳng để tâm việc đó.
Mà thôi, Anh Đào tỏ ra chán nản cũng là điều dễ hiểu, nhất là sau ngày hôm qua, tức thứ Bảy ngày 14 tháng Tám. Chuyện xảy ra thì ai cũng biết, cô nàng đã bày ra đủ chiêu trò để ép tôi tham gia vào cái kế hoạch “du hành thời gian” đầy rủi ro và điên rồ. Theo đúng những gì cô dự kiến, chuyến đi được thực hiện suôn sẻ và kẻ bị lợi dụng là tôi đã trở về và kể lại mọi trải ngiệm của mình cho cổ.
Vậy nhưng, với Anh Đào, khó mà nói rằng cái kế hoạch này là một sự thành công mĩ mãn được. Thậm chí xét trên vài phương diện, nó giống một tin buồn cho người thực hiện vậy. Sở dĩ tôi có thể mạnh miệng nói thế cũng bởi những gì mà mình quan sát được. Được hi vọng sẽ tìm ra manh mối để hóa giải uẩn khúc đằng sau chuyến bay mất tích ba năm trước, cuối cùng tôi lại đem về một mớ bòng bong đúng nghĩa. Bí ẩn chồng chất bí ẩn, thông tin Anh Đào thu thập được từ tôi chẳng những không giúp được gì, nó còn khiến bức tranh toàn cảnh trở nên u ám và mờ mịt hơn bao giờ hết.
Từ góc nhìn của Anh Đào, hẳn tôi sẽ nghĩ thế này này...
Tốn bao nhiêu công sức mà cuối cùng thành công cốc hết cả, khúc mắc giải đáp được chẳng đáng là bao mà bí ẩn thì cứ nảy sinh liên tục giống như lau được vết mực trên mặt bàn xong làm loang lổ hết ra xung quanh vậy...
Nếu là Anh Đào, rõ ràng là tôi sẽ chán nản rồi.
Nhưng mà,
Tôi không phải cô ấy.
Động lực, nguyên do, thân thế, ngoại hình, tư duy và ý thức. Tôi không có điểm chung nào với Anh Đào cả. Bởi vậy thật dễ hiểu khi nói tầm nhìn của tôi khác cô nàng. Điển hình cho sự thật hiển nhiên này chính là cách tôi và cô ta xử lý những thông tin thu thập được từ chuyến du hành về quá khứ. Bóc tách, kết nối, gắn ghép và loại bỏ, tôi tin rằng mình có thể làm tốt hơn Anh Đào rất nhiều. Đó là một sự tự tin quá mức gần chạm tới ranh giới của tính kiêu căng, nhưng tôi có lí do để chắc chắn vào nó.
Tất cả đều được đúc kết qua lời đáp trả mang tính quyết định cho câu hỏi mà Anh Đào đã đặt ra trước đó.
“Thực ra thì” Tôi chậm rãi nói “Tôi tìm ra giải pháp cho chuyến bay ba năm trước rồi.”
Khỏi cần kể cũng biết nó tác động mạnh mẽ thế nào tới không khí cuộc đối thoại. Tuy rằng hiệu quả thì chưa thấy ngay lập tức bởi sau lời khẳng định trên của tôi là một sự im lặng thực sự đến từ cả hai phía. Tất nhiên đó là một sự im lặng đang chờ chực để bị phá vỡ. Về phần mình, thực chất tôi đang đợi lời đáp trả từ đối phương, còn Anh Đào thì lại quá sốc mà á khẩu mất rồi.
Điều đó cũng dễ nhận ra thôi, bởi cô ta đang nhìn tôi trân trối.
Thu mình lại ngồi một cách ngay ngắn, Anh Đào khoanh tay trước ngực. Cô vẫn chưa thể nói gì cả, nhưng tư thế thì đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng. Mãi sau đó, chỉ khi đã chọn lựa từ ngữ một cách cẩn thận rồi, Anh Đào mới quyết định lên tiếng bằng tông giọng lộ rõ vẻ nghi hoặc.
“Ý anh là sao khi nói Tôi tìm ra giải pháp cho chuyến bay ba năm trước rồi. Chẳng phải sẽ hợp lý hơn nếu anh dùng cách diễn đạt kiểu Tôi đã vén màn được bí ẩn về chuyến bay hay tương tự thế chứ?
Tôi từng nghĩ Anh Đào không phải tuýp người để tâm tới những thứ tiểu tiết, nhưng cái phản ứng sắc sảo này của cô nàng đã sớm đánh bật cái thành kiến đó. Phải chăng sự nhanh nhạy của Anh Đào có lẽ bắt nguồn từ tác phong của người làm khoa học? Tôi chỉ có thể mơ hồ cảm nhận như vậy.
“Ừ thì, từ sao thì nghĩa vậy.” Tôi ra vẻ khiêm tốn “Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa nghĩ ra nguyên nhân chiếc Boeing biến mất, đồng thời cũng hoàn toàn mù tịt về tất cả những sự kiện xảy ra với chuyến bay. Thậm chí tôi nghĩ mình còn biết ít thông tin hơn cả cô nữa. Thành thật mà nói, mọi thứ tôi nắm trong tay chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất.”
Tôi không phủ nhận sự thiếu trọn vẹn trong suy đoán của mình. Nhưng trong trường hợp cần đề cao tính hiệu quả tức thời thay vì lợi ích lâu dài, tôi tin rằng đó là một hướng đi đúng đắn. Bởi suy cho cùng, nhờ việc chỉ xem xét tới bề ngoài mà bỏ qua cái cốt lõi của vấn đề, tôi mới có thể tìm ra mối liên kết giữa các mảnh ghép tưởng chừng vô cùng rời rạc. Còn xây dựng nền tảng và phương pháp giải quyết, tôi nghĩ mình sẽ nhường lại nó cho những người có chuyên môn như Anh Đào thì sẽ tốt hơn.
“Tôi có thể hiểu ý anh.” Anh Đào gật đầu. Cách cô ấy nắm bắt câu chuyện thực sự đáp ứng được mong đợi của tôi.
Tất nhiên tôi biết cuộc đối thoại này bắt đầu chuyển sang pha nghiêm túc từ lâu, nhưng sẽ là một sự thiếu sót nếu tôi không đính chính trước một vài thứ. Nghĩ như vậy, tôi bèn lên giọng nói.
“Dù sao tôi không muốn cô hi vọng quá nhiều, bởi tất cả những thứ tôi sắp nói đều chỉ là suy luận của bản thân mà thôi. Không có một công trình khoa học hay nghiên cứu nào cổ súy cho suy nghĩ của tôi cả, tất cả đều là suy đoán thuần túy. Nói như vậy để cô hiểu rằng, tôi có thể sai... Mà không, rất có thể sai mới đúng. Nó có thể chỉ là trùng hợp, một sự trùng hợp hoàn hảo khiến tôi bị lạc lối trong suy luận.”
“Không sao cả.” Anh Đào thở dài “Đó là một rủi ro có thể chấp nhận được.”
Nhìn cái cách Anh Đào rung đùi mà đáp lại, tôi cho rằng cô ấy chỉ đang miễn cưỡng nói ra mấy lời đó. Dù sao những thứ như vậy sẽ không làm tôi chùn bước đâu. Tôi đã hạ quyết tâm rồi.
Túm lại, vấn đề đầu tiên coi như xong.
“Vậy chúng ta có thể bắt tay vào việc được rồi chứ?” Anh Đào liền đề nghị.
“Được thôi. Nhưng tôi sẽ hỏi cô vài thứ trước đó. Và sẽ tốt hơn nếu cô trả lời thành thật nhất có thể.”
Vừa cựa mình để kiếm được tư thế ngồi không bị đè lên chỗ đau nơi đùi, tôi vừa nói như vậy.
Yêu cầu này của tôi sẽ là sự bổ sung cuối cùng về mặt thông tin. Dù đã chuẩn bị một cách kĩ lưỡng nhất có thể, nhưng có những thứ vẫn chỉ là cảm tính vô căn cứ từ tôi mà thôi. Nói đơn giản thì tôi chẳng có một cơ sở nào để kiểm chứng xem nó đúng hay sai nên tất cả sẽ chỉ dừng lại ở mức giả thuyết.
Đó đa phần là những câu hỏi mà tôi không thể tự giải đáp một mình.
Tuy nhiên, lúc này đây, khi mà ngồi trước mặt tôi là Anh Đào thì chuyện sẽ khác hoàn toàn.
Cô ta có thể trả lời tất cả những khúc mắc ấy, tôi chắc mẩm là vậy.
Cứ hỏi đi xem sao, Anh Đào nhún vai đáp lại.
Nếu đối phương đã đồng thuận rồi, vậy thì...
“Cô có biết chị tôi là ai không?”
... tôi cũng không cần úp mở làm gì nữa.
“Không.” Anh Đào thẳng thắn xác nhận, mặc dù mới hôm qua tôi đã đề cập tới chị hàng mấy lần trong lúc bị cô nàng tra hỏi.
Mà giờ nghĩ lại, hình như Anh Đào chưa một lần hỏi tên về tên chị Di thì phải? Lẽ nào cô ấy coi đó là một chi tiết ngoài lề không mấy quan trọng nên bỏ qua sao? Tôi đã tưởng Anh Đào biết rồi mới làm lơ, nhưng cái phản ứng trên cho thấy giả thuyết này là không chính xác. Túm lại lí do là gì thì chịu, nhưng vì Anh Đào chẳng hỏi nên tôi cũng không nói điều đó với cô nàng.
“Nhưng cô từng tìm hiểu thông tin về tôi phải chứ?”
“Tôi sẽ không phủ nhận điều đó, nhưng anh nên biết là tôi không biết nhiều về anh tới vậy đâu. Đơn giản mà nói, tôi đã bỏ qua những thông tin ngoài lề không quan trọng. Vậy nên thậm chí tôi còn không biết anh có một người chị cơ, cho tới ngày hôm qua. Vả lại như lời kể thì chị anh mất cũng lâu rồi đúng không?”
Được rồi, đáng ra tôi đừng nên hỏi câu này thì hơn. Cứ tưởng Anh Đào phải tìm hiểu tôi kĩ càng tới mức chưa nắm chân tơ kẽ tóc thì cũng phải điểm được hết những thông tin cơ bản, nhưng không, đây rõ ràng là một sự thất vọng nhè nhẹ.
Làm ăn tắc trách và hơi hợt như vậy, đáng lẽ cô ta nên bỏ thêm ít công sức để nắm bắt thêm về đối tượng mà mình định bắt cóc thì hơn. Ít ra cũng phải thể hiện chút tôn trọng với bọn họ chứ?
Thật là mờ mịt - tôi thở dài.
Thôi thì tôi đổi câu hỏi đi vậy.
“Thế, cô có biết ai tên là Thiên Di không?”
“Hửm?”
Anh Đào liền trưng ra một biểu tình khó hiểu trên khuôn mặt. Rướn cao mày, cô ngẫm nghĩ rồi nói.
“Đó không phải một cái tên phổ biến nên nếu từng gặp qua trong đời, hẳn là tôi sẽ nhớ.”
“Vậy là có hay không?” Chẳng chần chừ, tôi gặng hỏi. Tôi hiểu vì sao Anh Đào lại phản ứng ba phải như thế, nên tốt nhất tôi cần làm cô ấy hiểu rằng bây giờ cái gì là quan trọng nhất.
“Thôi được rồi, vì anh mà lần này tôi đành phá lệ vậy.” Anh Đào nói một cách miễn cưỡng “Tôi có biết một người tên Thiên Di. Đó từng là cấp dưới của bố tôi ở Viện Nghiên cứu, tôi cũng từng gặp chị ấy vài lần rồi, nhưng tất cả cũng chỉ là chào hỏi mà thôi. Cơ mà tôi cũng không biết nhiều về chị ấy cho lắm, bởi lúc tôi bắt đầu công việc ở Viện thì chị ấy đã đi đâu mất rồi, có lẽ là thuyên chuyển công tác hay đại loại thế, tôi không quan tâm lắm. Vả lại đồng nghiệp của tôi ở Viện cũng chẳng bao giờ nhắc tới chị ấy cả nên tôi coi như mù tịt.”
Chà.
Dù đã dự trù trước, tôi vẫn không khỏi thốt lên một tiếng cảm thán trong tâm trí mình.
Lời xác nhận của Anh Đào quả thật là một liều thuốc thử vô cùng hiệu quả. Nó như chất keo dính giúp củng cố cho lập luận và đồng thời biến những nghi ngờ của tôi trở thành dữ kiện có thể tin tưởng được.
Nhưng tôi vẫn bất ngờ.
Bất ngờ vì cái cách các mối quan hệ kết nối với nhau.
Lòng vòng một hồi, suy cho cùng cũng là dây mơ rễ má. Chẳng phải quả đất này hơi tròn quá rồi sao?
Thật khó mà tưởng tượng tôi và Anh Đào vốn đã có liên hệ từ trước cả khi hai bên gặp nhau lần đầu, tuy không đến nỗi mật thiết, nhưng vẫn hơn là người dưng nước lã.
Thật tốt khi Anh Đào chịu hợp tác, tôi cứ tưởng cái quy tắc bảo mật thông tin do tính chất nghề nghiệp sẽ khiến cô ấy cẩn trọng tới cứng đầu. Nhưng lo lắng cũng bằng thừa, bởi có vẻ Anh Đào không phải tuýp người dễ dàng bị ràng buộc bởi luật lệ. Điều đó sẽ góp phần đơn giản hóa cuộc đối thoại giữa chúng tôi đi rất nhiều khi mà những câu hỏi tu từ hay ngôn ngữ gợi tả là không cần thiết.
Và nhân đây cũng nói về sự nghi ngờ gần như chỉ là cảm giác mơ hồ của tôi về thân phận chị Di. Việc chị gặp người đàn ông nọ ở sân bay, đưa ra lời nhận xét đầy tính chủ quan về hành động của Anh Đào hay chuyện tôi chẳng nắm được chi tiết về công việc mà chị Di đang làm (vì chị vốn không công khai về nó)... Những chi tiết đó quả thật đã không làm dấy lên bất kì nghi vấn nào trong lòng tôi. Tôi chỉ xem chúng như vài sự kiện ngẫu nhiên chẳng có chút liên hệ nào cả, cho tới tận sau này, khi mà bản thân đã xây dựng nên những suy đoán về chuyến bay ba năm trước, tôi mới chợt nhận ra điều bất thường từ chúng.
Nếu vậy thì không khó để xâu chuỗi sự kiện lại với nhau.
Được đà, tôi tiếp tục hỏi.
“Thực ra chuyến đi lần đó của bố mẹ cô không phải một cuộc đi chơi thuần túy phải không?”
“Phải.” Anh Đào hừ mũi “Đi chơi chỉ là một phần lí do thôi, còn lại là vì mục đích công việc.”
“Hừm... Tôi cũng đoán thế mà. Không biết cô còn giấu giếm gì nữa không đây?”
“Nhưng ít ra tôi cũng nói cho anh đúng một nửa rồi còn gì?”
“Một nửa sự thật thì không phải sự thật!”
Anh Đào nheo mắt nhìn tôi đầy bất mãn. Liệu có phải lí do là vì tôi liên tục lật tẩy mấy thông tin sai lệch mà cô đã mất công dựng lên để lòe tôi chăng? Tôi không dám chắc, nhưng đấy cũng là một khả năng.
“Mà khoan đã... Anh nói như vậy... Lẽ nào chị Thiên Di đó chính là chị gái anh sao?”
“Không cần phải ngạc nhiên như vậy. Đấy là lỗi của cô vì đã không hỏi kĩ càng.”
“Ừ, rồi, anh thích nói gì cũng được, nhưng để tôi load tình huống này đã...” Anh Đào đưa tay lên bóp trán “Vậy chị gái anh là cấp dưới của bố tôi... Tức là...”
Nói một cách lấp lửng, cô gật đầu như thể mới phát hiện ra điều gì mới vậy.
“Điều này nghĩa là người thứ hai không bị rơi vào giấc ngủ chính là bố tôi ư?”
“Rõ ràng là vậy.”
Điều này hoàn toàn trùng khớp với dữ kiện mà chúng tôi đang nắm trong tay. Chính nó đã lí giải tại sao lại có sự tương đồng tới vậy trong chuyến đi của bố Anh Đào và chị Di, từ việc lựa chọn máy bay, điểm đi, điểm đến, mục đích và cả cái cơ chế đi kèm với một người thân...
Được rồi, chuyển qua vấn đề tiếp theo nào.
Tôi bèn lục đục thò tay vào túi quần, rút ra chiếc điện thoại di động của mình và đặt nó lên bàn.
“Suốt thời gian tôi ở đây, cô có động vào chiếc điện thoại của tôi lần nào không?”
“Không. Làm như tôi thèm ấy?”
Ôi trời, nhìn cái cách trả lời đầy tự phụ của cô ta kìa.
“Thế còn tác động từ những phát mình khác trong phòng thí nghiệm thì sao? Lúc tôi bất tỉnh, cô từng đưa tôi vào đó rồi phải chứ?”
“Một câu hỏi kì lạ đấy. Nhưng tôi có thể đảm bảo một nửa rằng chẳng có gì can hệ tới chiếc điện thoại cùi của anh hết.”
Đảm bảo một nửa à? Nhìn thế nào cũng thấy đó là một kiểu trả lời vô cùng thiếu chắc chắn.
“Được rồi.” Tôi từ từ mở màn hình điện thoại “Vậy cô có biết vấn đề gì đã xảy ra với máy tôi không?”
Anh Đào nghe vậy bèn săm soi một hồi rồi nói.
“Hình như đồng hồ của anh chạy hơi nhanh thì phải. Giờ mới có chín giờ chứ mấy...”
Thế rồi như nhận ra gì đó, cô đưa tay ra cầm hẳn chiếc điện thoại lên.
“Mà khoan. Không phải chạy nhanh. Cái này là sai hoàn toàn rồi còn gì? Hôm nay là ngày 15 tháng Tám chứ không phải ngày năm như điện thoại của anh hiển thị... Vậy cuối cùng là anh cho tôi xem cái này vì lí do gì đây? Đừng có nói là anh không biết chỉnh đồng hồ điện thoại đấy nhé?”
“Đến tận nước này mà cô vẫn nói móc tôi được thì kể cũng tài đấy.” Tôi làm giọng ngán ngẩm đáp trả “Mà cô đúng là chậm chạp, còn cách một chút nữa thôi là thành công rồi mà chẳng biết đường tiến lên nữa.”
“Khoan. Anh đang trêu ngươi tôi đấy à?”
Nghe thấy vậy tôi liền đưa tay lên vuốt mặt.
“Tôi thực không hiểu câu từ của mình có chỗ nào là khiêu khích nữa. Tất cả đều do cô tự biên tự diễn mà ra thôi, vậy nên ngưng làm cái bản mặt cau có đấy đi nào.”
“Tôi thì không vấn đề, nhưng anh hãy nhớ chúng ta đang nói chuyện một cách nghiêm túc đấy, nên tốt nhất là đừng nên đề cập quá nhiều tới mấy thứ ngoài lề.”
Được rồi, tôi sẽ giả vờ như thể quên mất ai đã khơi mào cho cuộc hội thoại vốn vô cùng lạc đề này. Nhưng quả thật tôi khó mà chấp nhận cho nổi khi phải nhận lời nhắc nhở rằng “hãy nhớ chúng ta đang nói chuyện một cách nghiêm túc đấy” từ một con người đang mặc trên mình một bộ dồ ngủ hết sức xộc xệch và chân thì cứ không ngừng rung lên xuống liên tục.
Trước khi nói, tôi nghĩ là cô nên nhìn lại mình trước thì hơn đấy Anh Đào ạ.
Mà thực ra thì mấy chuyện râu ria tôi cũng hỏi xong rồi nên không lo bị lan man nữa. Chẳng còn gì vướng mắc nữa, đã đến lúc tôi đi vào vấn đề chính. Thứ duy nhất tôi cần lo bây giờ chỉ là cách sắp xếp các luận điểm, nhưng xét cho cùng cứ để nó tự nhiên theo cuộc đối thoại thì hơn.
“Tôi xem anh có vẻ đã sẵn sàng rồi đấy nhỉ?” Anh Đào rướn mày hỏi, có lẽ cô đã nhận ra những biểu tình thay đổi trên khuôn mặt tôi.
“Phải. Giờ mới là thực sự lúc đi vào nội dung quan trọng.”
Tôi cố nói một cách từ tốn.
Tuy chẳng muốn tự huyễn hoặc, nhưng những lời sau đây của tôi hẳn sẽ có một phần cơ may trở thành châm ngôn thập kỉ. Nó sẽ đóng góp vào một trong những phát hiện lớn nhất trong lịch sử loài người. Và hơn nữa...
Đùa thôi.
Dù ăn nói to tát là vậy nhưng tôi không thực sự mong đợi nhiều như thế. Suy cho cùng đó cũng chỉ là những suy nghĩ phóng đại tới mức quá lố của tôi mà thôi. Nhưng tôi tin, ở một phạm vi vi mô nhất định, nó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới những người trong cuộc mà ở đây, kể đến đầu tiên phải là Anh Đào. Dù không choáng ngợp, cô ta chắc chắn cũng chẳng thể nào làm ngơ cho được những lời tôi định nói. Bởi lẽ chúng sẽ là chìa khóa cho trăn trở của cô nàng suốt ba năm nay.
Sao phải chần chừ nữa nhỉ?
Đã đến lúc giãi bày tất cả những lời lẽ cần thiết rồi.
Tôi khoanh tay mà lên giọng.
“Có lẽ cứ lần lượt từng thứ một trước đã. Để có thể nắm được bức tranh toàn cảnh, nhất thiết phải nắm được từng chi tiết trong đó, tìm ra cách chúng móc nối và biến những nghi vấn trở thành vấn đề có thể giải thích được. Với suy nghĩ như thế, tôi quyết định mình sẽ bắt đầu từ những điểm bất thường.”
Đó là phương pháp mà tôi đã lựa chọn cho bản thân.
“Nghi vấn đầu tiên tôi muốn đặt ra ở đây, đó chính là Lí do khiến các hành khách trên chuyến bay tôi tham gia ba năm về trước đồng loạt rơi vào giấc ngủ.”
“Nói như vậy tức là anh biết nguyên nhân gây ra chuyện đó rồi sao?” Anh Đào chau mày hỏi.
“Không.” Tôi phủ nhận “Như đã nói, hiện tượng, chứ không phải bản chất, mới là thứ duy nhất tôi nắm được. Và cụ thể thì, hiện tượng mà tôi nói đến ở đây, chính là hành động “ngủ”.”
“...”
“Một kiến thức cơ bản. Ngủ là bản năng sinh lý bình thường của cơ thể, trung bình con người dành ra một phần ba cuộc đời mình để dành cho việc ngủ. Và bởi những tác dụng và sự đơn giản mà nó đem lại, sẽ không khó hiểu khi nói ngủ là một trong những hành động tự thỏa mãn ít xa xỉ nhất con người được ban tặng.”
Và tôi nhấn mạnh.
“Chính vì thế, ngủ trong một tình huống bất thường là điều có thể xảy ra, nhưng chắc chắn không phải theo cách thông thường. Đó là điều mà tôi vẫn luôn băn khoăn từ khi trở về.”
Anh Đào im lặng nhìn tôi chờ đợi.
“Hẳn cô vẫn còn nhớ việc toàn bộ hầu hết các hành khách trên chuyến bay đã chìm vào giấc ngủ khi chiếc máy bay ở trong cái vùng không gian kì lạ đó. Đó đã là bất thường rồi, nhưng còn bất thường hơn nữa, khi cả hơn ba trăm hành khách lẫn phi hành đoàn bỗng chừa ra hai người không bị ảnh hưởng nặng như số còn lại. Ý tôi ở đây là, ít nhất chị tôi có thấy buồn ngủ nhưng vì lí do nào đấy vẫn chống lại được, và theo như được kể lại thì bố cô cũng vậy. Điều đó đã làm tôi dấy lên câu hỏi: “Tại sao hai người đó lại giữ tỉnh táo được?”, hay đúng hơn là “Họ thì có gì khác với những người còn lại?”.”
Xét một cách logic, phải có một lí do nào đó dẫn đến việc bố Anh Đào và chị Di phản ứng lại với cái không gian kia khác biệt với đại đa số. Cấu tạo sinh học? Sự trải nghiệm? Hay ở viễn cảnh điên rồ nhất mà tôi có thể tưởng tượng, cái không gian ấy do người ngoài hành tinh tạo ra, và chúng sử dụng một cơ chế ngẫu nhiên nào đó để chọn lọc những con người có khả năng kháng lại tác động đến từ môi trường?
Dù sao thì...
“Tiếp này.” Tôi hắng giọng. “Những lời tôi sắp nói sau đây, có thể coi như là tiền đề cho tất cả mọi suy đoán sau này. Nhưng hãy nhớ việc nó xảy ra chỉ là xác suất mà thôi, tôi không có cơ sở nào để khặng định một cách chắc chắn cả. Vì vậy trước hết, tôi muốn hỏi cô, với tư cách là chuyên gia, một điều này.”
“Và đó là gì vậy?” Anh Đào ra ý thắc mắc.
“Quan điểm của cô về thay đổi quá khứ dẫn đến thay đổi ở hiện tại. Cô đã nói rằng trở lại quá khứ và hay đổi nó sẽ không làm ảnh hưởng đến hiện tại của chúng ta phải chứ? Điều này không có gì để bàn cãi nữa, vậy còn hiện tại của mặt phẳng thời gian, hay gì gì đấy tôi không nhớ rõ, mà tại đó quá khứ đã bị thay đổi thì sao?”
Tôi nói một cách lấp lửng.
“Ý anh là sao?” Anh Đào nheo mắt.
“Ý tôi là, liệu có cơ may nào để khi thay đổi quá khứ mà không làm ảnh hưởng tới sự kiện trong hiện tại hay không?”
Nghe thấy vậy, trầm ngâm một hồi, Anh Đào nói vẻ bán tín bán nghi.
“Anh không thể mong đợi mọi chuyện sẽ xảy ra đúng như những gì nó đã xảy ra từ thời điểm anh thay đổi một chi tiết nào đó trong Chất điểm thời không.”
“Vậy à...” Cách Anh Đào trả lời có chút nằm ngoài mong đợi của tôi.
“Nhưng đó là xét về vi mô thì là vậy.”
Nói rồi cô liền đính chính.
“Ý cô là sao?” Giờ đến tôi là người cảm thấy khó hiểu.
“Ý tôi là vì anh thay đổi một chi tiết, cũng đồng với việc thay đổi tất cả những thứ có liên hệ với nó, bởi vậy một sự tương đồng một trăm phần trăm giữa Chất điểm thời không gốc và Chất điểm thời không mới là không thể được.”
Thì ra là thế. Vậy có nghĩa là tôi vẫn đang đi đúng hướng.
“Tức là cô đang xét chi li thôi phải không?”
“Ừ.”
“Thế nếu với một sự kiện lớn thì sao?”
“Tôi không thực sự xác định được vấn đề mà anh đang cố truyền đạt.” Anh Đào chớp mắt.
“Tức là nếu tôi thay đổi một chi tiết trong trong cả sự kiện, liệu điều đó có làm thay đổi kết quả của sự kiện đó không?”
“Ừ thì... Đây không phải vấn đề nên nói với người ngoại đạo, cơ mà chắc tôi phá lệ vậy.” Anh Đào vò tóc “Theo như những nghiên cứu và giả thuyết được ghi chép lại, sự thay đổi vẫn sẽ xảy ra, nhưng ở một mức độ và điều kiện nào đó nó sẽ thay đổi ít tới mức trở nên không đáng kể. Miễn là...”
“Miễn là?” Tôi gặng hỏi.
“Miễn là chi tiết mà anh thay đổi sớm được thay thế bằng chi tiết khác tương đương, và càng để lâu, tầm ảnh hưởng của chi tiết đó sẽ lớn hơn nữa lên toàn cục.”
Thấy tôi vẫn ngơ ngác, Anh Đào liền đưa ra ví dụ.
“Nó cũng giống việc anh chọn đi xe máy với ô tô ấy. Trên cùng một quãng đường, cả hai sẽ có nét tương đồng nhất định, nhưng càng đi thì do chênh lệch tốc độ mà ô tô sẽ dần bỏ xa xe máy.”
“Đó là một hình ảnh liên tưởng kì lạ và nói thật là tôi chẳng hiểu nó có liên quan gì ở đây.” Tôi đưa tay lên vuốt mặt “Mà thôi, cũng chẳng quan trọng lắm.”
Rồi tôi nói.
“Vậy là rõ ràng rồi.”
“Anh hiểu ra điều gì à?”
“Không. Không phải hiểu ra, mà là chắc chắn hơn vào suy đoán ban đầu.”
Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Trong giây phút tôi bỗng trở nên lơ đãng bởi bầu trời xanh vời vợi không gợn bóng mây. Giờ đây tôi chẳng còn điều gì để vướng bận nữa. Mọi thứ đều khớp với lập luận của bản thân, nhiều tới mức tôi có thể tự tin mà khẳng định rằng nó không thể nào xảy ra khác đi được. Nhận ra điều đó thực sự làm tôi cảm thấy có chút choáng ngợp...
“Vậy điều đó là gì?”
Anh Đào chợt lên tiếng gọi, tới đây tôi mới sực tỉnh mà đáp lại.
Sắp xếp suy nghĩ cho mạch lạc nhất có thể, tôi bắt đầu nói.
“Cô có nhớ cô gái mà tôi va phải lúc ở sân bay chứ? Chuyện xảy ra ở dòng thời gian kia ấy.”
“Nhớ. Mà anh ác ôn nhỉ?”
“Ngoài cô ra thì ai nhận xét tôi như thế cũng được.”
“Thế, cô gái đó thì liên quan gì tới câu chuyện?”
“Về việc này...” Tôi thở dài “Thực ra cô gái đó chính là tôi.”
“Khoan đã nào.” Anh Đào nhăn mặt tỏ vẻ kì thị “Xin lỗi nhưng tôi không theo kịp lối tư duy của anh nữa rồi.”
“Tôi không biết cô đang tưởng tượng cái gì. Nhưng ý của tôi ở đây là về vai trò của cô gái đấy.”
“Vai trò?”
“Đúng vậy. Cô ấy đã thay thế vai trò của tôi, kể từ giây phút tôi xé chiếc vé của cổ. Một hình nhân thế mạng.”
“Không lẽ...” Như bất chợt nhận ra điều gì đó, Anh Đào liền thốt lên một tiếng vô thưởng vô phạt.
“Đúng vậy. Và không chỉ cô gái đó đâu mà tất cả những yếu tố khác đều tự khắc phù hợp luôn.”
Mọi chuyện diễn ra chính xác,
Và phù hợp một cách đáng sợ.
Cứ như thể đã được sắp đặt từ trước bởi bàn tay của số phận vậy.
Tôi chỉ có thể nghĩ vậy mà lắc đầu.
Liệu tôi có tự làm chủ vận mệnh bản thân? Hay ngay từ đầu, tôi vốn chẳng có nhiều giá trị hơn một mảnh ghép được chép lái bởi số phận? Thật khó mà trả lời câu hỏi này, nhưng tất cả những việc mình làm khi quay trở về quá khứ đã làm tôi không khỏi day dứt bởi cái nghi vấn trên. Phải chăng lúc tôi quyết định kéo chị Di ra khỏi vụ tai nạn kia, hay khi tôi nổi khùng lên mà xé vé của cô gái nọ,... đó đều do tôi tự chủ làm thành chứ không chịu một sự thôi thúc vô hình nào cả?
Dù sao, câu trả lời có là cái gì đi nữa,
Thì nó cũng chẳng ảnh hưởng tới những điều tôi sắp nói.
Đây hẳn là một sự may mắn, tôi thầm nhủ như vậy.
Và rồi, tôi lại lên tiếng. Lần này là để bắt đầu cho một trong những suy đoán quan trọng nhất cho toàn bộ cuộc đối thoại. Có lẽ đây là thứ không chỉ Anh Đào, mà ngay cả tôi cũng đang chờ đợi.
Để đến với cú chốt.
Không chần chừ thêm nữa, tôi nói liền một mạch.
“Những gì mà tôi muốn truyền đạt cho cô có thể tóm tắt như thế này... Mọi chuyện bắt nguồn khi tôi xé chiếc vé của cô gái kia, từ đó dẫn tới việc cô ta không thể đặt chân lên chuyến bay đó. Nhưng cũng chính vì thế mà cô ấy thoát khỏi việc cùng ba trăm người khác bị nuốt chửng và mắc kẹt trong cái không gian bí ẩn kia. Tất nhiên, điều đó là may mắn hay xui xẻo, tôi chưa bàn tới vội.
“Giờ thì chỉ cần ngồi xuống và nhìn lại thôi. Cô sẽ thấy mọi thứ diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Đặc biệt là việc cô đưa tôi trở về đúng hai ngày trước khi chuyến bay khởi hành, điều đó dẫn tới việc tôi chỉ có thể tác động một phần nhỏ tới số lượng hành khách trên chuyến bay mà thôi. Tức là ngoài những người thực sự thân cận, như chị tôi, hay trực tiếp tiếp xúc như cô gái kia, còn lại đều nằm ngoài tầm ảnh hưởng của tôi. Rõ ràng tôi không thể tạo ra tác động bất chợt tới mọi hành khách còn lại trên chuyến bay hay những người phi công, nhưng đó chưa phải tất cả.
“Hãy xét rộng hơn nữa. Như cô đã nói, “Miễn là chi tiết mà anh thay đổi sớm được thay thế bằng chi tiết khác tương đương” phải chứ? Vậy thì tôi cũng sẵn sàng đưa ra ví dụ trực quan cho cô đây, tất cả đều sẽ được tái hiện lại ở dòng thời gian đó. Thứ nhất chính là việc mà chiếc máy bay kia, theo một cách nào đó, vẫn biến mất không chút dấu vết. Thứ hai là vì việc tôi bước chân lên chuyến bay không làm ảnh hưởng tới đại đa số hành khác, nên dễ hiểu là bố mẹ cô đều vẫn lên chiếc Boeing và biến mắt cùng nó. Ngoài ra, như cô đã biết, ở dòng thời gian này chị của tôi đã mất từ lâu, còn ở dòng thời gian kia, chính chị cũng không còn tồn tại ở trên Trái Đất nữa. Điều đó có nghĩa là, chị, một người vốn gần gũi với cái Viện nghiên cứu gì đó, dù thế nào cũng không thể tác động lên những hành động xảy ra trong đó. Tất cả những điều trên, một cách vô cùng rõ ràng, sẽ tạo nên một Anh Đào với cùng những động lực và nhận được sự ảnh hưởng y như Anh Đào đang ngồi trước mặt tôi lúc này. Thế mới nói, suy cho cùng, tất cả những thay đổi mà tôi tạo nên, hóa ra chẳng hề tác động tới cô ở dòng thời gian đó lấy một ly.
“Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Vì tôi đã thay đổi chính tôi ở dòng thời gian đó mất rồi. Nói như vậy là bởi bản thân tôi cũng đã biến mất cùng với chuyến bay. Vậy thì cô sẽ bắt ai phải phục vụ mình mà quay về quá khứ đây? Sự thật trớ trêu ấy, chẳng thể nào khác được, chính là cô gái mà tôi bị tôi xé vé, mà qua đó bị tước luôn cơ hội để lên chuyến bay nọ. Điều này có nghĩa là điều kiện cuối cùng đã được thỏa mãn, đó chính là một người đã đặt chỗ trên chuyến bay nhưng đến giờ chót lại không thể đi được.”
“Chờ chút.” Đột nhiên Anh Đào cắt lời tôi “Sao có thể trùng hợp như vậy?”
“Liệu những gì tôi nói có gì bất hợp lý sao?”
“Không hẳn.” Cô nàng liền xua tay “Chỉ là tôi thấy nó giống như dao động điều hòa vậy, khi mà mọi thứ luôn có cách để quay lại vị trí cân bằng. Đây cũng là điều từng được đề cập tới, một giả định rằng ở hoàn cảnh xác định, sẽ tồn tại một cơ chế để đưa các sự kiện quay trở lại đúng với một thiết lập ban đầu. Trong trường hợp mà chúng ta đang bàn luận, có thể nói sự thay đổi chưa đủ lớn để phá vỡ sự cân bằng chắc chắn, những điều kiện cần thiết vẫn được đảm bảo thực hiện. Và nếu chỉ xét riêng cho một sự kiện, sẽ gần như không có sự thay đổi nào cả. Cụ thể hơn, việc chiếc Boeing mất tích, sẽ vẫn dẫn đến hệ quả là tôi kéo một người khác phù hợp vào kế hoạch của mình.”
“Tôi nghĩ cô nắm được vấn đề rồi. Và đây sẽ là lúc tôi cần cô thành thực.”
Nghe thấy vậy Anh Đào liền rướn mày.
“Thành thực?”
“Phải. Về những chuyện cô đã làm với cơ thể tôi khi tôi vẫn đang ở trong con mèo.”
Tôi lên giọng, hướng thẳng về phía cô gái đang ngồi đối diện mình mà yêu cầu.
“Xem chừng tôi không còn lựa chọn nào khác rồi.”
Anh Đào thở dài sau khi nghe những lời tôi nói. Cô lắc đầu nhè nhẹ. Tư thế rõ là đã nhượng bộ hoàn toàn.
“Thực ra thì, tôi đã sử dụng một cỗ máy có khả năng tạo ra một không gian tồn tại song song với thế giới thực và đưa cơ thể cùng đồ đạc của anh vào đó. Làm như vậy, sẽ không ai có thể mò ra tung tích của anh được dù có thế nào đi nữa.”
“Ra là vậy.”
Tôi gật gù.
“Đúng như tôi suy đoán.”
“Khoan. Làm sao anh có thể nhận ra điều đó?”
“Để trả lời cho câu hỏi này, thì đó chính là việc cô gái bí ẩn xuất hiện bên ngoài chiếc máy bay. Giờ thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa, cô ấy đồng thời cũng là người đã va chạm với tôi lúc ở sân bay.”
“Nhưng sao có thể?” Anh Đào chau mày ra chiều khó hiểu.
“Thực ra phát hiện trên chỉ mang tính trung gian mà thôi, và nó kết nối hai chi tiết quan trọng nhất, đó là việc cô gái đó thay thế cho vai trò của tôi trong kế hoạch của cô, và tất cả những gì cô đã làm với cơ thể tôi.
“Và khi tôi thử giải thích lí do vì sao bố cô và chị tôi không bị ngủ thiếp đi như mọi người. Tôi nhận ra họ có điểm tương đồng, mà ngay cả cô cũng có: đều là thành viên của cái Viện nghiên cứu quái quỷ kia. Sự thật rằng tôi đã nghĩ tình trạng thiếu ngủ thường trực ở cô là lẽ dĩ nhiên, nhưng từng có lần tôi nghe Anh Thảo nói rằng phòng thí nghiệm của cô vốn có gì đó nhàm chán. Giờ tôi mới hiểu ý cô ấy. Rằng có lẽ, sự nhàm chán ở đây mang một ý nghĩa khác, hay nói đúng hơn, là sự buồn ngủ. Từ những thứ trên cùng điều chị tôi nói đã khiến tôi nghĩ tới trường hợp, rằng có khi nào nguyên nhân của việc hai người kia chống lại được cơn buồn ngủ, là vì họ từng tiếp xúc với tác nhân gây ra cơn buồn ngủ ở một cường độ nhất định trước đó? Có lẽ là trong một dự án nghiên cứu nào đó? Và hiện tượng này cũng giống như việc nhờ thuốc vậy, đó là những gì tôi có thể nghĩ ra.
“Giờ hãy nhìn lại. Cô nhận rằng đã đưa cơ thể tôi tới một không gian song song nào đó. Và như đã suy đoán, cô gái va chạm với tôi ở sân bay chính là người thay thế vị trí của tôi ở thế giới đó, vậy thì hẳn là cô ấy cũng gặp phải những điều tương tự như tôi là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng chính nó đã dẫn đến sự liên hệ không thể nào trùng hợp hơn được. Điều này giải thích vì sao cô gái kia lại rơi vào trạng thái bất động lúc tôi bắt gặp khi đang ở trong không gian bí ẩn kia.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, cỗ máy mà cô tạo ra, theo một cách nào đó, mở ra cánh cổng để đến với không gian nơi chiếc Boeing chở gần ba trăm hành khách đang mắc kẹt.”
Khi tôi dứt lời,
Tất cả những gì Anh Đào thể hiện ra chỉ là sự lặng thinh.
Cô chẳng nói lấy một lời, đưa tay lên che trán, đôi môi bặm chặt tới mức trắng bệch đi.
Rồi Anh Đào ngẩng lên nhìn tôi ráo hoảnh.
Thật kì lạ.
Cách cô ta phản ứng lại thoạt nhìn có vẻ không được tự nhiên cho lắm. Nhưng nếu suy đoán của tôi là đúng thì thực ra mọi thứ sẽ rất hợp lý.
Nghĩ như vậy, tôi chờ xem cô gái đang ngồi đối diện mình có lời gì muốn bày tỏ không. Nhưng hình như Anh Đào chẳng mảy may nhận ra điều đó, cô hết nhìn tôi rồi lại hướng mắt lên không trung, rõ là đang suy nghĩ.
Cuối cùng không thấy đối phương động tĩnh gì, tôi bèn nói.
“Kì lạ nhỉ?”
“Cái gì kì lạ cơ?” Sực tỉnh lại, Anh Đào hỏi, vẻ ngơ ngác.
“Còn gì nữa, là cách cô phản ứng đó.”
“Ý anh là sao?”
Tôi chép miệng.
“Còn sao nữa. Đến một đứa trẻ cũng dễ dàng nhận ra.”
“Nhận ra cái gì cơ?” Anh Đào chớp chớp mắt. Dù phải đối mặt với mấy câu nói lấp lửng từ đối phương, cô vẫn không mảy may bực mình.
“Điểm nhấn của toàn bộ câu chuyện. Nói đúng hơn là bức tưởng cuối cùng của tất cả những bí ẩn này. Kẻ thù cho toàn bộ những nỗ lực của cô từ trước đến nay.” Tôi lên giọng “Đó chính là thời gian.”
“...”
“Nghĩ mà xem, tính từ lúc chiếc máy bay biến mất đến nay đã ba năm. Trước kia, khi cả tôi và cô đều không biết tung tích của nó, vì vậy những viễn cảnh có thể xảy ra cũng theo đó mà có hàng vô số. Nhưng bây giờ thì cô đã biết phải tìm kiếm chiếc Boeing ở đâu rồi, đó là bước tiến lớn, nhưng theo đó những trường hợp khả quan cũng bị thu hẹp tới mức chẳng đếm quá đầu ngón tay. Giờ giả sử như đã ba năm trôi qua rồi, liệu những hành khách trên chuyến bay ấy còn ai sống sót nổi không? Khi mà lượng lương thực vốn chẳng nhiều nhặn, và rõ là cái không gian mà họ đang mắc kẹt không có chút dấu hiệu gì cho thấy sẽ cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cho con người cả. Rõ ràng chẳng cần suy xét cẩn thận, cô sẽ sớm nghĩ tới cái viễn cảnh này trước chứ nhỉ?”
Thế rồi chẳng đợi Anh Đào trả lời, tôi lại tiếp tục.
“Dù đã nghe tôi nói tới vậy, trông cô chẳng có chút gì lo lắng nhỉ?”
“Ừ thì...” Anh Đào từ từ đưa tay lên vò tóc.
“Tôi đoán cô có thể yên tâm mà ngồi yên như vậy, hẳn là cô biết thông tin gì đó về cái không gian kia nhỉ?”
“Sao anh có thể nhận ra điều đó?”
“Cũng đơn giản thôi.” Tôi nhìn lên trần nhà “Khi mà đã suy luận ra mối liên hệ giữa cỗ máy cô dùng lên cơ thể tôi và cái không gian kia thì mọi thứ bỗng chốc rõ ràng hết cả. Bởi tính ra cô đã giữ cơ thể tôi trong suốt một tuần, vậy mà khi quay trở lại với cơ thể mình, tôi hoàn toàn không thấy nó có gì khác biệt so với lúc đầu, râu ria cũng không mọc dài ra, và cả vấn đề đồ ăn thức uống nữa, làm sao cơ thể tôi có thể chịu đựng trong suốt một tuần kia chứ?
“Chính vì thế, tôi lập tức nghĩ ra những viễn cảnh khả thi để giải thích cho vấn đề trên. Và tôi liền liên hệ tới cô gái xuất hiện bên ngoài chiếc máy bay. Nếu cô ấy gặp phải vấn đề y như tôi, vậy tại sao vừa mới xuất hiện, cô ấy đã biến mất đột ngột như vậy? Liệu rằng Anh Đào ở dòng thời gian kia gặp trục trặc gì đó chăng? Phải chăng cỗ máy mà cô ném cơ thể tôi vào, hay nói đúng hơn là cái không gian kia có khả năng giảm thiểu tối đa các chức năng sinh học của cơ thể sống không? Giống như một cỗ máy ngủ đông vậy? Dù thế, nó vẫn chưa thực sự hợp lí, bởi theo cách suy nghĩ đó, có một lỗ hổng. Nhưng rồi tôi nhìn thấy cái này, và nó đã giải thích mọi thắc mắc của tôi.”
Nói rồi, tôi từ từ với tay lấy chiếc điện thoại của mình đang đặt trên mặt bàn và mở màn hình lên.
“Lỗ hổng mà tôi nói tới ở đây, chính là việc nếu như không gian kia chỉ tác động tới sinh vật sống, thì tại sao điện thoại của tôi lại bị nảy thời gian thế này? Trả lời tôi đi Anh Đào. Có phải thời gian ở cái cái không gian kia và thế giới thức vốn không tương đương phải không?”
Tôi nói bằng giọng hết sức hùng hồn, để đến mức mà Anh Đào chỉ nhẹ cúi đầu. Tóc mái Anh Đào theo động tác đó liền rủ xuống, che khuất luôn khuôn mặt của cô nàng.
Đó là một cái gật đầu, không còn nghi ngờ gì nữa. Bởi ngay sau đó, Anh Đào hạ giọng nói với tôi.
“Đúng như anh nói, một ngày với người trải nghiệm ở không gian đó, tức là một năm đã trôi qua ở thế giới này.”
Vậy là rõ rồi.
Tôi lẩm nhẩm làm một phép tính đơn giản.
Kết quả hoàn toàn trùng khớp với mong đợi.
“Đó chính là lí do vì sao chiếc điện thoại của tôi bị chậm mất mười ngày so với thời gian thực sự, vì nó đã theo cơ thể tôi vào cái không gian kia, và theo như tỉ lệ mà cô đã nói thì mười ngày ở thế giới này cũng chỉ bằng gần một trăm giây ở không gian kia, và đây cũng là tổng thời gian mà tôi nhìn thấy cô gái nọ trôi lơ lửng bên ngoài máy bay. Chính vì phát hiện này, việc giải cứu chiếc Boeing kia đã trở nên khả quan hơn bao giờ hết, bởi rõ ràng cô đã tìm ra điểm mấu chốt trong việc tiếp cận chiếc máy bay, và hơn cả thế, chính sự chênh lệch về thời gian cho thấy cô vẫn còn nhiều cơ hội để giải cứu những người trên máy bay, bởi xét thế nào thì ba năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc máy bay mất tích, nhưng với họ, mới có ba ngày trôi qua mà thôi. Vì vậy, nếu khẩn trương, cơ hội để cứu được tất cả các hành khách mà sống sót là hoàn toàn có thể.”
Tôi vừa dứt lời.
Anh Đào đập đánh ruỳnh xuống mặt bàn.
Hai tay chống thẳng, cô chúi cả người về phía trước, tới mức tưởng như chỉ nghiêng chút nữa thôi là sẽ ngã dúi dụi không biết chừng.
Rõ ràng Anh Đào đã kiềm chế để không nhảy dựng lên trước khi nghe tôi trình bày xong.
“Đúng là như thế đấy!”
Hét lên với nụ cười rạng rõ trên môi, đôi mắt cô nàng mở to chưa từng thấy. Tôi có thể thông cảm cho sự phấn khích của Anh Đào, dù sao đó cũng là một biểu hiện hoàn toàn dự đoán trước được.
Cơ mà cái tư thế mặt dí sát mặt này là sao chứ?
“Hơi gần rồi.” Tôi cố góp ý, nhưng...
“Phải! Rất gần rồi! Chỉ chút nữa thôi!” Anh Đào thở ra thực mạnh, giọng rõ là đang phấn khích.
Không những chẳng thèm để ý tới lời tôi nói, xem chừng cô nàng cũng mất luôn khả năng đọc thái độ của đối phương rồi.
Sau đó Anh Đào liên tục lảm nhảm những câu kiểu như “Chuyện này rất đánh để mạo hiểm!” hay “Nếu mình thuyết phục được cấp trên hẳn họ sẽ duyệt cái kế hoạch này thôi!”... Túm lại toàn những thứ mà có nghe nữa tôi cũng chẳng thể hiểu nổi. Dù vậy tôi vẫn mang máng đoán được ý đồ của cô nàng. Nếu chiếu theo hướng đi mà tôi đã vạch ra dựa trên suy đoán của mình, không khó để thấy một mình Anh Đào sẽ chẳng thể làm nên trò trống gì. Giải cứu cho một hành khách đã khó, huống chi tận những ba trăm con người, hiển nhiên cô ta sẽ cần tận dụng mọi nguồn lực trong khả năng (Cơ mà Anh Đào không định bỏ rơi những hành khách còn lại trừ cha mẹ mình ra đấy chứ? Tôi thực có chút lo rằng cái viễn cảnh này sẽ xảy ra. Từ tận đáy lòng, xin cô hãy chứng minh tôi sai đi Anh Đào.)
Dù chỉ dưới góc nhìn của kẻ ngoại đạo, tôi vẫn phần nào thấy được những khó khăn mà những nhà khoa học gặp phải khi tiến hành cái kế hoạch giải cứu chiếc Boeing kia. Chênh lệch thời gian, xác định vị trí máy bay, xác suất để mở “cánh cổng” thuận lợi hay làm thế nào để tiếp cận máy bay cùng vô số vấn đề khác, nhiều là vậy nhưng tôi cũng đành lực bất tòng tâm mà thôi. Từ đây trở đi là việc của chuyên gia rồi, tôi không cần phải đả động làm gì nữa.
“Túm lại trước mắt cứ thế đi đã...”
Trái ngược với dáng vẻ ủ rũ lúc mới gặp, giờ đây Anh Đào như một đứa nhóc thừa năng lượng. Tay chống nạnh, cô cứ liên tục bước qua lại trong phòng.
Thế rồi chẳng biết cớ gì, Anh Đào bất chợt vỗ mạnh vào vai tôi – đúng ngay chỗ bị thương. Mặt hơi chút nhăn nhó, tôi vẫn ngậm bồ hòn làm thinh, cố nén lại cơn đau mà nheo mắt nhìn Anh Đào. Người đâu mà vô ý dữ.
“Anh đúng là ghê thật đấy.” Cô nói, miệng cười toe toét.
“Từ ai chứ cô thì tôi không dám nhận.”
“Anh đúng là người duy nhất phù hợp với kế hoạch của tôi mà. Cứ như thể anh sinh ra là để làm chuyện đó vậy.”
“Thực sự tôi không nghĩ cô nên nói những lời đó với người mà mình vừa mới bắt cóc mới đây đâu.”
Tôi thở dài. Chắc từ giờ đến già tôi cũng chẳng ưa cho nổi Anh Đào.
“Haha.”
Tất nhiên cô nàng vẫn bỏ ngoài tai những lời vừa rồi.
Dáng vẻ như suy tính gì đó, Anh Đào từ từ bước về phía cánh cửa nối giữa hành lang và phòng khách. Thế rồi vỗ tay vào nhau cái bộp, cô nàng quay đầu lại, vừa gật gù vừa nói.
“Thôi. Bấn loạn thế đủ rồi. Giờ mới là lúc tôi nghiêm túc bắt tay vào việc. Thật tuyệt anh vì hôm nay đã xuất hiện ở đây, nhưng xem chừng tôi không thể tiếp đón anh tử tế được rồi. Trước mắt còn quá nhiều thứ phải làm mà... Vì vậy, có lẽ anh cứ tự nhiên thôi.”
Dứt lời, Anh Đào quay lưng đi thẳng và hoàn toàn mất hút sau góc khuất cầu thang, bỏ mặc tôi còn đang hoang mang không hiểu vì cớ gì mà chuyện lại diễn biến kiểu này.
Khoan đã. Đừng có nói đây là cách cô nàng phiền phức kia tiễn khách đấy chứ? Bị phủ đầu kiểu này thì tôi cũng chịu rồi. Thậm chí Anh Đào còn chẳng thèm cảm ơn tôi lấy một câu tử tế. Ít nhất cô ta cũng nên hỏi han xem tôi ra về kiểu gì mới phải. Thú thực là người tôi ê ẩm lắm rồi, giờ có đi cũng chỉ cà nhắc được mà thôi. Từ đây ra bến xe cũng ngót một cây chứ chẳng gần và với cái tình trạng hiện tại, sẽ khó khăn cho tôi lắm đây.
Mà, ca cẩm vậy thôi.
Chứ tôi cũng chẳng có ý gì.
Thiết nghĩ, hôm nay tôi đến đây đâu phải vì muốn nghe mấy lời cảm ơn.
Thành thực thì, hành động này của tôi chẳng bắt nguồn mục đích gì quan trọng cả. Tôi đâu hề có ý định tạo dựng quan hệ hay khiến cho Anh Đào mắc nợ mình. Quyết định của tôi thực chất không có chút gì dính dáng tới cái cô nàng phiền phức đó hết. Chỉ là, nghĩ mà xem, nếu có thể giúp gì đó cho gần ba trăm con người, dù chẳng quen biết hay được lợi lộc gì, liệu tôi nỡ lòng nào từ chối? Tất nhiên là lương tâm tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nổi rồi. Nhưng nói vậy để biết rằng tôi làm việc này đều là vì lợi ích của số đông chứ không riêng cá nhân nào cả.
Nghĩ như vậy, tôi bèn thở dài một hơi.
Sau đó cất chiếc điện thoại đang để trên mặt bàn, tôi khó nhọc đứng dậy, ánh nắng từ ngoài rọi vào, phản chiếu qua một bức tranh đập thẳng vào mặt khiến tôi phải nheo mắt lại.
Thật không mấy dễ chịu, nhưng tôi chẳng thiết cằn nhằn nữa. Bởi dù sao, đây sẽ là lần cuối tôi đặt chân tới căn nhà này. Ngay từ hôm qua tôi đã hạ quyết tâm như vậy rồi, và đằng nào cũng chẳng còn lí do gì để tôi phải dính dáng cái chốn này cả.
Mọi mắc mớ đều đã được giải quyết.
Có níu kéo cũng không để làm gì.
Đã đến lúc tôi rời khỏi đây rồi, một lần và mãi mãi.
Nghĩ như vậy, tôi cà nhắc bước về phía cách cửa và vặn tay nắm.
Từ từ đi ra ngoài.
Thế rồi, chẳng ngoái lại lấy một lần, tôi dứt khoát đóng mạnh cánh cửa gỗ sơn trắng.
2 Bình luận