Trong ký ức của Hỏa Nghi, “Lưu Vân quốc” không tồn tại. Đơn giản là vì gã chưa bao giờ đến đó.
Kỳ thực sự hiểu biết của Hỏa Nghi về Lưu Vân chỉ thông qua sách vở tài liệu, hoàn toàn không có kinh nghiệm thực tế. Như toàn bộ người Phi Thiên, gã luôn nghĩ Lưu Vân quốc là quốc gia đầy rẫy những con quỷ ác độc cho tới khi biết rằng đó chỉ là sản phẩm tuyên truyền. Sau Chiến Tranh Tài Nguyên, các quốc gia vẫn không ngừng tô vẽ cho nhau những màu sắc bẩn thỉu nhất.
Điều đó không đồng nghĩa là Hỏa Nghi có thiện cảm với quốc gia này. Gã ghét thông tin tuyên truyền nhưng lại ghét Lưu Vân hơn vậy – một thứ cảm xúc thuần túy truyền qua nhiều thế hệ. Chiến Tranh Tài Nguyên, tranh chấp biên giới, tranh chấp eo biển Tích La, mâu thuẫn thuộc địa ở Kim Ngân, và Trận Sông Đỏ… quá nhiều thứ chi phối tâm thức của người Phi Thiên dành cho quốc gia láng giềng. Dường như nỗi căm ghét sinh ra cùng với Hỏa Nghi.
Tất nhiên ở chiều ngược lại, mọi chuyện cũng không khá hơn.
- Thành thực mà nói, chúng tôi không hề hoan nghênh anh, Hỏa Nghi. Anh không được chào đón ở Lưu Vân, dù tôi nghe nói anh cởi mở hơn đa số người Phi Thiên khác.
Hỏa Nghi cười nhạt, mép hơi nhếch. Đối diện gã là một cô gái trẻ tuổi trong bộ quân phục màu trắng kem với những họa tiết hình mây màu vàng kim, cổ bẻ đeo huy hiệu hình thập tự màu đen. Hắc Bội Thập Tự – Hỏa Nghi vừa nhìn huy hiệu vừa hồi tưởng – một trong số những huân chương cao quý nhất Lưu Vân quốc. So với tuổi đời của cô gái trẻ, sự xuất hiện của Hắc Bội Thập Tự khá bất hợp lý.
- À, tôi rất có năng khiếu về khoản “cởi” và “mở”. – Hỏa Nghi cười – Cô muốn kiểm tra không, La Hóa?
Cô nàng tên La Hóa cười nhạt, mép hơi nhếch, cùng một kiểu như Hỏa Nghi. Đôi mắt hạnh nhân, miệng nhỏ nhắn với môi căng mọng, tóc ngắn chẻ mái xoăn sóng bao gương mặt thanh tú, thân hình cân đối đầy đặn – La Hóa thực sự xinh đẹp, thành thử cái cười khinh thị của cô ta quyến rũ một cách đặc biệt. Nhưng Hỏa Nghi ghét ả, thực sự ghét. Gã dám thề rằng chung thủy với tất cả phụ nữ đẹp trên đời này, nhưng La Hóa không nằm trong số đó dù cô ả đẹp. Phần lớn vì cô ta là người Lưu Vân, phần khác là bởi cô ta là hộ vệ thánh sứ của hoàng tử Vi Hàn – người kế thừa ngai vàng Lưu Vân quốc.
Có sự tranh chấp nhất định giữa Lục Châu và Vi Hàn, người này là thước đo so sánh của người kia. Nó tồn tại một cách hiển nhiên như mâu thuẫn giữa hai quốc gia. Và không chỉ hai người, các hộ vệ thánh sứ của họ cũng bị cuốn vào tranh chấp. Trước đây đã từng xảy ra một trận so tài – mà thực chất là chiến đấu không khoan nhượng – giữa Chiến Tử và các hộ vệ của Vi Hàn. Kết quả ra sao ít người biết, chỉ biết từ ấy về sau, đám hộ vệ của Vi Hàn ghét Chiến Tử ra mặt.
Thế nên việc La Hóa thiếu thiện cảm với Hỏa Nghi là hết sức bình thường. Ngược lại, Hỏa Nghi ghét cô ả như lẽ tự nhiên phải thế.
- Nghe nói anh vừa thành thân với tiểu thư Tô Mỹ của họ Chân Tâm. – La Hóa nói – Nhưng tôi cũng nghe đồn anh là kẻ lăng nhăng. Vậy ra lời đồn là thật.
- Rồi sao nữa? – Hỏa Nghi nhún vai.
- Nhân cách của hộ vệ công chúa Lục Châu tệ hơn tôi tưởng. – La Hóa đáp.
- Vị khách có nhân cách tồi tệ này sắp đến hoàng cung Lưu Vân quốc, có thiệp mời rất tử tế. Còn nữa, vị khách này được một hộ vệ thánh sứ có huân chương Hắc Bội Thập Tự tiếp đón, dẫn đường và hộ vệ. Hay ho à nha! Cô chê vị khách tồi tệ này à, La Hóa?
Hỏa Nghi cười cười nói nói, tay rút ra một tấm thiệp đen được trang trí kiểu cách bằng những hoa văn hình mây. Trên thiệp đề dòng chữ viết tay bằng mực vàng Kính mời: Hỏa Nghi – trưởng tộc họ Hỏa, bên dưới đóng dấu thập tự màu vàng kim cùng chữ ký Hoàng đế Lưu Vân quốc – Vương Vi Hàn. Thường, thiệp mời kiểu này chỉ đến tay những nhân vật quyền lực và được gửi trực tiếp từ hoàng đế Lưu Vân. Một vinh dự rất hiếm người sở hữu.
Dấu thập tự vàng kim hằn vào mắt La Hóa. Với Hỏa Nghi, thứ này chẳng hơn gì một dấu “+” nhàm chán. Nhưng La Hóa tôn thờ nó, giống như huân chương Hắc Bội Thập Tự mà cô ta đeo lên cổ áo một cách đầy tự hào. Ngứa mắt trước bản mặt nhơn nhơn của Hỏa Nghi, song La Hóa miễn cưỡng nhã nhặn:
- Tôi tôn trọng chủ ý của hoàng đế.
Hỏa Nghi nhe răng cười đểu. La Hóa nhìn gã bằng đôi mắt nhiều lòng trắng. Rồi hai người im lặng một lúc lâu. Nếu không phải chung lợi ích hoặc mâu thuẫn với nhau, một người Phi Thiên sẽ chẳng bao giờ trò chuyện với người Lưu Vân. Lúc này nếu không có tiếng động cơ phi thuyền, không khí giữa Hỏa Nghi và La Hóa sẽ yên tĩnh một cách kỳ cục.
Cảm thấy chán, Hỏa Nghi ngoảnh về phía sau, nơi cửa sổ phi thuyền đang hứng những cơn gió táp. Gã phóng tầm mắt xuống và ngắm nhìn thủ đô Lưu Vân quốc – Vũ Đồ thành. Đây là lần đầu tiên Hỏa Nghi đặt chân tới thành phố này – một minh chứng cho sự căm ghét Lưu Vân của gã.
Quả thực, Vũ Đồ thành không dành cho những người thích đường cong như Hỏa Nghi. Toàn thành phố nằm trên một bình nguyên khổng lồ. Nếu Phi Thiên thành là miếng bánh tròn mềm mại được sông Vành Đai Xanh chia hai nửa, thì Vũ Đồ thành là một mảnh kim loại bị cắt thành nhiều phần bởi ý chí sắt đá của những người xây dựng lên nó. Từ đây, Hỏa Nghi có thể thấy từng mảng riêng biệt: chỗ này là khu dân cư, đằng kia là trung tâm giải trí, phía xa xa là trung tâm hành chính với ngọn Tháp Thánh Sứ dựng đứng kiêu hãnh… tất cả được quy hoạch trong những ô vuông thẳng thớm và nằm trên một mặt phẳng lý tưởng. “Hoàn hảo!” – Hỏa Nghi nghĩ thầm. Bấy giờ gã để ý cả thành phố chẳng lồi lên bất cứ phần địa hình nào, tức là chẳng có núi non, gò đồi hay cái gì tương tự. Gã đồ rằng người Lưu Vân đã san phẳng mọi thứ trước khi xây dựng Vũ Đồ thành.
Phi thuyền hạ độ cao và hướng đến hoàng cung. Trời mưa lây phây, cộng thêm cái lạnh mùa đông còn sót lại đọng hơi ẩm trên mặt kính cửa sổ. Dù vậy Hỏa Nghi vẫn thấy những tòa kiến trúc màu xám bạc phản chiếu nước mưa dưới mặt đường, tạo thành nhiều mảng trắng loang loáng. Cả thành phố như được phủ lên một lớp màng nước luôn luôn lay động – một điểm đặc biệt ở Vũ Đồ thành mà chỉ xuất hiện vào ngày mưa.
Nước, dường như, là thứ duy nhất có thể làm mềm thành phố này. Và người Lưu Vân đón nhận nó. Đài phun, hồ nước, suối nhân tạo bên lề đường, máng xối trên mái nhà… nước hiện diện khắp nơi. Ấn tượng hơn cả là ngọn thác nhân tạo trải dài gần nửa cây số ở phía đông thủ đô; nước được dẫn lên một bức tường cao hơn một trăm mét, sau đó đổ xuống một hồ nước lớn hình bầu dục ngày đêm gợn sóng. Nhiều người tập trung quanh hồ, làm động tác gì đó như là vục tay xuống nước rồi đưa lên, hướng lòng bàn tay vào mặt mình. Dù khoảng cách khá xa và không thấy rõ, nhưng Hỏa Nghi biết đấy là cách người Lưu Vân cầu nguyện.
- Không có tài liệu nào giải thích rõ cách cầu nguyện của người Lưu Vân… – Hỏa Nghi lên tiếng – Tại sao họ phải nhúng tay vào nước trước khi cầu nguyện?
- Với chúng tôi, nước chứa mọi thứ, bao gồm cả linh hồn. – La Hóa trả lời.
Cô ả không nói thêm nữa. Hỏa Nghi quay lại ngắm nhìn Vũ Đồ thành.
Thành phố phản chiếu ánh nước, ánh nước phản chiếu màu xám bạc kim loại từ những tòa kiến trúc. Thực sự là còn nhiều màu sắc khác nhưng xám bạc là chủ đạo. Ai đó đã áp đặt sở thích màu sắc của mình lên thành phố. Và những con đường cũng thế: tất cả đều thẳng thớm, phân chia rõ ràng đâu là đường nhỏ cho người đi bộ, đâu là đại lộ cho xe cơ giới hay đâu là trục đường chỉ dành cho phương tiện riêng biệt. Chúng chằng chịt, phức tạp nhưng liên kết với nhau như các đường dẫn trên bảng mạch điện tử - nghĩa là từng phần có vai trò riêng và đóng góp vào hệ thống tổng thể. Chúng như được thiết kế một cách tỉ mỉ, và sinh ra là có mục đích.
Điều ấy có nghĩa là thành phố không hề có đường cụt, ít nhất là trong tầm có thể quan sát của Hỏa Nghi. Từ độ cao này, gã không thấy bất cứ lối đi nào khiến người ta phải quay đầu nếu lỡ đi lầm. Luôn luôn có lối ra, luôn luôn có đường khác. Nghe có vẻ khó tin nhưng là sự thật. Hỏa Nghi biết lý do, tất nhiên là từ những cuốn sách mà hắn đọc được.
“…Vũ Đồ thành được xây dựng vào Thời Đại Thủy Triều, thực chất được xây dựng lại từ một pháo đài cổ xưa và mọi con đường bên trong đều phục vụ mục đích quân sự. Người Lưu Vân đã cải tạo thành phố, biến nó thành thủ đô nhưng khi cần sẽ trở thành tập đoàn cứ điểm phòng thủ. Giao thông thành phố chằng chịt nhưng không có ngõ cụt cũng là chủ ý của người Lưu Vân. Sức mạnh của Lưu Vân quốc không nằm ở thánh sứ, mà là xạ thủ. Nếu thành phố lâm vào chiến tranh, các xạ thủ có đầy đủ môi trường tác chiến, đồng thời có thể rút lui nhanh chóng…”
Hỏa Nghi vẫn nhớ những dòng mô tả về Vũ Đồ thành trong cuốn sách từng đọc hồi nhỏ. Gã cũng không quên nó được xây dựng vì một viễn cảnh trong đầu người Lưu Vân: chuẩn bị một cuộc đại chiến với Phi Thiên quốc và trong trường hợp xấu nhất, Vũ Đồ thành sẽ là chốt chặn cuối cùng. Chiến tranh qua đi, hòa bình lặp lại nhưng người Lưu Vân chưa bao giờ tính việc thay đổi diện mạo lẫn chức năng của thành phố. Thế nên dù được tô vẽ thế nào thì về bản chất, Vũ Đô thành vẫn là một thành trì quân sự, một pháo đài kiên cố.
Trong tâm trí người Lưu Vân, chiến tranh với Phi Thiên chưa bao giờ kết thúc.
Lát sau, chiếc phi thuyền hạ cánh xuống bãi đáp chuyên biệt nằm ở rìa ngoài hoàng cung. Hỏa Nghi không phải vị khách duy nhất nhận được tấm thiệp đóng dấu chữ thập. Tại bãi đáp, nhiều phi thuyền khác nằm im lìm trong khi ở trên cao, nhiều phi thuyền khác đang hướng tới đây. Hôm nay rõ ràng là một sự kiện trọng đại
Theo chân La Hóa, Hỏa Nghi bước vào hoàng cung. So với thành phố màu xám bạc kim loại bên ngoài, nơi này rất khác biệt. Kiến trúc hoàng cung Lưu Vân là sự kết hợp giữa những cột đá và kim loại gia cố trợ lực trên đỉnh cột; giữa những lá cờ thêu dấu thập tự hoàng kim và những bức phù điêu hình Nữ Thần Tiên Tri nằm xen kẽ nhau trên tường hành lang; giữa những đường ống thép trơ lạnh chạy dọc trên trần nhà và dòng nước mềm mại chảy ùng ục bên trong – tạo ra tiếng nhạc vui tai song chẳng hề ồn ào. Và toàn bộ đường đi lối lại được trải thảm đỏ thêu họa tiết thập tự, giảm bớt cái lạnh cố hữu của sự rộng lớn. Hỏa Nghi đã nghe, đã thấy nơi đây qua tranh ảnh cùng lời kể, nhưng tận mục sở thị lại là chuyện khác.
Tất nhiên hoàng cung không thiếu sự hiện diện của con người. Ngự lâm quân có mặt khắp nơi, nhưng thay vì tập hợp thành nhóm như người Phi Thiên, họ thường đứng một mình. Quân phục màu trắng kem với họa tiết hình mây màu vàng kim – họ ăn mặc gần giống La Hóa, chỉ khác rằng không ai có Hắc Bội Thập Tự. Các ngự lâm đặc biệt chú ý Hỏa Nghi. Gã có thể thấy sự cảnh giác trong ánh mắt, trong khẩu súng trường bên vai và trong thanh kiếm ngắn bên hông của họ. Cũng dễ hiểu khi Hỏa Nghi là người Phi Thiên quốc hàng xịn.
- Anh nên thấy tự hào. – La Hóa vừa đi vừa nói – Lần cuối cùng mà một người Phi Thiên được hoàng đế Lưu Vân mời dự tiệc chính thức cách đây đã nửa thế kỷ.
- Tại sao một người Phi Thiên phải tự hào khi hoàng đế của một đất nước thấp kém hơn đăng quang?
La Hóa dừng chân. Cô ta quay lại Hỏa Nghi, đôi mắt đẹp giờ chỉ toàn lòng trắng:
- Mặc dù anh là khách quý, nhưng đừng nghĩ tôi sẽ bỏ qua những lời xúc phạm.
Hỏa Nghi cười nhạt đoạn bước tới. La Hóa cao ráo hơn đại đa số phụ nữ, nhưng so với Hỏa Nghi thì thua hẳn một cái đầu. Hỏa Nghi thực sự cao lớn, gã có thể choán hết tầm nhìn của người đối diện như cái cách mà Phi Thiên lấn át mọi quốc gia khác trên Tâm Mộng. Quân phục trang trọng và Hắc Bội Thập Tự không giúp ích gì cho La Hóa mà ngược lại, khiến cô nhỏ bé trước kẻ đứng đầu họ Hỏa.
- Vậy cô định làm gì tôi nào? – Hỏa Nghi bĩu môi, mắt nhướn xuống vẻ khinh thị thay vì cúi đầu một cách lịch sự – Ngay tại hoàng cung? Ngay ở tiệc chiêu đãi của hoàng đế Lưu Vân? Chà, tôi tò mò đấy!
Cái sự nhơn nhơn của Hỏa Nghi luôn hiệu quả với những người đứng đắn như La Hóa. Sau rốt, La Hóa đành quay đi, còn Hỏa Nghi cười đểu rồi bước tiếp. Hỏa Nghi sẽ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để chọc tức người Lưu Vân. Niềm căm thù Lưu Vân quốc có thể khiến gã quay lại con người trước đây thay vì chức vị trưởng tộc họ Hỏa như hiện tại.
Kỳ thực, Hỏa Nghi không hề muốn tới đây. Lưu Vân quốc làm gã không thoải mái.
*
* *
Hai tháng trước, tại Đảo Sắt Thép…
Khi Hỏa Nghi đang giải quyết công việc giấy tờ thì La Hóa tìm đến, mang theo thiệp mời sinh nhật từ hoàng đế Lưu Vân quốc. Cô ta xuất hiện một cách trang trọng, dùng những ngôn từ hoa mỹ để thể hiện Lưu Vân quốc coi trọng trưởng tộc họ Hỏa thế nào và muốn gã dự tiệc ra sao. Cô ả đến rồi đi, ào ào như cơn lốc, chẳng đợi Hỏa Nghi đồng ý hay không. Gã thực sự ghét kiểu mời mọc áp đặt này.
- Anh đến Lưu Vân bao giờ chưa?
Hỏa Nghi ngẩng đầu, thấy Tô Mỹ bước vào cùng khay trà thiết mộc và bánh ngọt. Sau lễ cưới ba tháng, cô tiểu thư họ Chân Tâm chứng tỏ mình xứng đáng làm phu nhân trưởng tộc họ Hỏa. Cô giúp việc cho Hỏa Nghi như một thư ký, dọn dẹp căn phòng bừa bãi giấy tờ lẫn tàn thuốc lá như một giúp việc, và chăm nom ba bữa như bà mẹ trẻ. Cô hơi sốc khi biết trước đây, Hỏa Dương – người anh ruột của chồng mình – cũng làm những việc y hệt. Hiểu theo nghĩa khác, cô là sự thay thế hoàn hảo sau khi Hỏa Dương vào tù.
- Chưa từng. – Hỏa Nghi đáp lời – Họ Hỏa căm ghét Lưu Vân quốc còn tôi lớn lên trong môi trường thù hằn đó. Hồi hẹn hò mấy cô em xinh tươi, tôi cũng tránh đến nước đó…
Hỏa Nghi khựng lại đoạn ngẩng đầu. Tô Mỹ đang lườm gã muốn rách mí mắt, hẳn là vì “mấy cô em xinh tươi”. Gã hắng giọng, sau châm lửa rít thuốc. Thuốc làm gã tự tin hơn trước cô vợ Tô Mỹ. Gã tảng lờ:
- Vậy em tới Lưu Vân bao giờ chưa?
Tô Mỹ đặt khay xuống bàn, đẩy trà và bánh cho Hỏa Nghi. Đôi mắt cô đã thôi lườm nguýt:
- Một lần, hồi đó chị Tô Mãn còn sống. Chị em chúng em theo cha đến hoàng cung Lưu Vân và gặp hoàng đế Vi Triệt, ông nội Vi Hàn. Một cuộc gặp mang tính cá nhân. Ông ta mất lâu rồi, đâu đấy hơn mười năm trước.
Hỏa Nghi tọng miếng bánh vào mồm, nhồm nhoàm một bên má:
- Ổng là người thế nào?
- Anh có Jeh-7400 mà?! – Tô Mỹ cười – Ly Ly đang ở đây đấy chứ? Anh có thể hỏi cô ta, đúng không?
- Cổ ngủ rồi. – Hỏa Nghi nói – Nghe vợ kể chuyện mới thú vị chứ?! Máy móc vô tri sao bằng?
Tô Mỹ hơi cười dù biết gã đang nịnh bợ một cách thô thiển. Cô thích cái thô thiển này.
- Vi Triệt “Hung Bạo”, người Lưu Vân gọi ông ta như thế. – Tô Mỹ nói – Mỗi hoàng đế Lưu Vân đều có biệt danh riêng. Bản thân họ coi trọng biệt danh hơn hết thảy, vì nó thể hiện tâm tư của người Lưu Vân dành cho họ.
Hỏa Nghi nhấp ngụm trà, chép miệng:
- Hẳn là dân chúng Lưu Vân ghét ổng lắm?!
- Ngược lại là đằng khác. – Tô Mỹ lắc đầu – Ông ấy được coi trọng bởi tất cả người Lưu Vân, và được coi là nhà cầm quyền xuất sắc nhất đất nước này. Tất nhiên là ông ấy không thể bằng Bạch Dương Đệ Thập, nhưng với người Lưu Vân, ông ấy mới là thủ lĩnh tài ba nhất Chiến Tranh Tài Nguyên. Bằng sự “hung bạo”, ông ta đưa Trục Chữ Thập vươn lên và vượt qua Liên Minh Phương Bắc. Phần còn lại là lịch sử.
Hỏa Nghi gật gù rồi ăn miếng bánh thứ hai. Tô Mỹ tiếp lời:
- Cha con Vi Triệt là hai mặt đối lập. Dù chung kiểu cách tao nhã quý phái nhưng họ hoàn toàn khác nhau. Bọn em và cha được mời ăn tối cùng hai cha con hoàng đế. Khi ấy Vi Triệt đã già và thoái vị, truyền ngôi cho con mình là Vi Thành. Vi Triệt từ tốn nhưng dứt khoát. Anh sẽ hiểu nếu thấy ông ấy xẻ thịt con lợn nướng. Đó là việc của người phục vụ nhưng ông ta tự làm, như một thú vui. Từng phần của con lợn bị ông ấy xẻ dứt khoát, không động tác thừa, cũng không có phần thịt bở ra vì cắt lệch. Em nhận ra ông ấy thực sự tận hưởng việc đó như một đầu bếp…
- …hoặc như một kẻ đã quen giết người. – Hỏa Nghi nói – Cái biệt danh không tự nhiên mà có, phải không?
Tô Mỹ nhún vai gật đầu như đồng tình. Hỏa Nghi biết rõ vụ này, bởi gã có một anh trai nấu ăn ngon và chặt ngọt mọi loại thịt từ động vật bốn chân đến hai chân.
- Rồi sao nữa? – Hỏa Nghi tiếp tục.
- Vi Thành lại không vậy. – Tô Mỹ nói – Ông ta là một quý tộc kiểu mẫu: trịnh trọng, ôn hòa, mềm mỏng và tránh đối đầu. Suốt bữa, ông ấy ăn rất ít, rất ghét phải đụng thức ăn bằng tay. Ý em là: dùng tay cầm đùi gà thì hơi thô thiển, nhưng dùng dĩa chọc vào một quả dâu tây, trái nho hay hạt hạnh nhân thì lịch sự hơn chăng? Vi Thành tốn cả buổi để chọc hạt hạnh nhân cho tới khi nó toác ra. Và ông ta luôn đeo găng tay vì sợ bẩn.
- Thế thì hơi bệnh. – Hỏa Nghi gật gù.
- Vi Thành luôn ăn mặc đẹp, gương mặt cũng đẹp nữa, nhưng lại sợ bẩn, nên… ông ta giống một bà hoàng hơn là hoàng đế. Người Lưu Vân ghét ông ta. Họ sống quá lâu trong thời đại của Vi Triệt Hung Bạo nên không chấp nhận một người như thế. Chuyện còn lại, anh biết rồi đấy.
Chuyện còn lại là hậu Chiến Tranh Tài Nguyên, thời gian mà Phi Thiên và Lưu Vân ngoài mặt thì nối lại ngoại giao còn trong tối vẫn lén đâm nhau bằng nhiều đòn hiểm ác. Nhưng Phi Thiên lấn lướt hơn nhiều. Đỉnh điểm là cuộc chiến không tên chớp nhoáng xảy ra ở biên giới hai nước. Phi Thiên thiệt hại nặng nề, nhưng Lưu Vân cũng phải trả cái giá tương đương.
- Mọi hoàng đế Lưu Vân phấn đấu để có biệt danh để đời. – Tô Mỹ nói – Nhưng Vi Thành đã thất bại. Người dân gọi ông ta là Vi Thành “Đàn Bà”. Họ nói rằng ông ta đã làm xấu mặt cha mình.
- Nhưng triều đại của Vi Thành kết thúc rồi. – Hỏa Nghi nói – Ông ta đã chết. Giờ là thời của Vi Hàn.
- Anh có nghĩ Vi Hàn cũng giống cha anh ta không?
Hỏa Nghi chép miệng:
- Mặt mũi thì giống hệt. Hắn đẹp trai mà! Nhưng tôi không nghĩ hắn sẽ để người dân đặt biệt danh cho mình là “Đàn Bà”.
*
* *
Ba tháng trước, chỉ sau cuộc bầu cử Phi Thiên quốc ít giờ đồng hồ, Lưu Vân quốc thông báo cựu hoàng đế Vương Vi Thành băng hà. Con trai ông ta – Vương Vi Hàn – trở thành tân hoàng đế. Một cái chết không được dự báo, rất đột ngột và xuất hiện trong thời kỳ rối ren của Tâm Mộng.
Và giờ, Hỏa Nghi có mặt ở hoàng cung Lưu Vân. Giữa không gian vui tai tiếng nhạc nước, gã vừa bước đi vừa suy nghĩ. Suốt năm thế kỷ, họ Hỏa chưa từng dự tiệc do hoàng đế Lưu Vân tổ chức. Đây là lần đầu tiên – một sự kiện lớn. Hỏa Nghi biết bữa tiệc chỉ là cái cớ nhưng hoàn toàn không biết mục đích thật sự của Vi Hàn.
Ngay cả Lục Châu cũng ủng hộ gã dự tiệc. Nàng muốn biết Vi Hàn đang nghĩ gì.
Ba tháng sau cuộc bầu cử, chính trường Phi Thiên quốc chia làm hai: một bên là Lục Thiên – nay là Bạch Dương Đệ Thập Nhất, còn bên kia là Lục Châu. Hỏa Nghi theo phe công chúa, dĩ nhiên, bởi gã đã quỳ xuống và hôn lên bàn tay nàng ở nhà hàng Vòm Trời. Dù không ưa cái cách công chúa ép buộc mình, nhưng gã đã thề trung thành với cô. Là người đứng đầu họ Hỏa, gã phải tận tâm hoàn thành lời thề.
“Giờ cậu là người đại diện của tôi, Nghi. Cậu sẽ thay tôi làm những việc mà tôi không thể ra mặt, những việc không phù hợp với thân phận Tổng Lãnh Thánh Sứ của tôi. Hãy đến Lưu Vân và xem họ muốn gì. Nếu không phải là những sự vụ gây hại quốc gia, cậu có thể xem xét. Tôi cho cậu toàn quyền quyết định. Tôi tin ở cậu.”
Lục Châu đã gọi điện cho gã như thế. Nàng cũng được Vi Hàn gửi thiệp mời, nhưng không đi mà cử người đại diện là Hỏa Nghi. Bởi lẽ phía bên kia, Lục Thiên – Đệ Thập Nhất cũng cử người đại diện tham dự. Không phải họ thiếu thời gian, mà đơn giản là tính toán chính trị. Chẳng người nào muốn dân chúng cạu mặt vì cười cười nói nói ở hoàng cung Lưu Vân quốc. Tấm bia mộ khổng lồ ở quảng trường Phi Thiên thành còn đó, và người ta sẽ còn nhớ nó rất lâu.
Vài ngày sau cuộc bầu cử, Khối Ngũ Giác triệu tập cuộc họp tại Thánh Vực. Ở đó, Cung Bàn Thủ người Khuyên quốc – Tổng Lãnh Thánh Sứ đương nhiệm từ chức, nhường lại chức vị cho Lục Châu. Công chúa trở thành một trong năm Tổng Lãnh quyền lực nhất, đổi lại Khuyên quốc nhận được sự bảo hộ và hỗ trợ tuyệt đối từ Phi Thiên. Thế giới đang biến động, còn Khuyên quốc chủ động hy sinh lợi ích của Cung Bàn Thủ cho một lợi ích khác lớn lao hơn. Dĩ nhiên Cung Bàn Thủ chẳng hề vui vẻ.
Địa vị mới khiến Lục Châu phải thận trọng trong từng bước đi, hơn cả lúc cô ra tranh cử. Vậy nên giao trách nhiệm cho người khác là phương cách giúp cô không dính vào rắc rối. Nếu có thì đó là Hỏa Nghi. “Bạn bè vậy đấy, công chúa à!” – Hỏa Nghi bật cười mỉa mai.
Theo chân La Hóa băng qua những hành lang rộn ràng tiếng nước chảy, Hỏa Nghi đã tới đại sảnh. Đó là một không gian rộng lớn và vuông vức, hai bức tường trái phải có những ngọn thác nhỏ đổ xuống hồ chứa bên dưới nhưng không bắn tung tóe nhờ phép thuật, các cột trụ có dòng nước chạy quanh và chảy trên những khe rãnh hoa văn, một đại sảnh đầy những vị khách quyền lực trong trang phục sang trọng và lịch sự. Cuối cùng, cao hơn khoảng một mét là bệ đặt ngai vàng hoàng đế. Ngai làm từ kim loại màu xám bạc, có những rãnh song song nhau xẻ sâu trên tay vịn và tạo thành ký hiệu chữ thập trên phần lưng. Nhưng hiện tại, chiếc ngai đang trống, vị hoàng đế Vi Thành cũng chưa xuất hiện.
Đại sảnh này là trái tim Lưu Vân quốc.
Hỏa Nghi nhìn đám khách mời một lượt. Chính trị gia, người đứng đầu các dòng họ lớn, các doanh nhân máu mặt… gã biết tất cả bọn họ song cũng chẳng thân thiết bất cứ ai. Nhưng gã chẳng cần phải tạo dựng quan hệ với ai. Ngay khi Hỏa Nghi đặt chân vào sảnh đường, những tiếng xì xầm đã râm ran nổi lên. Thế rồi lần lượt từng người đến chỗ Hỏa Nghi, tay bắt mặt mừng ra vẻ thân thiết:
- Ngài Hỏa Nghi! Rất vui khi được gặp!
- Ngài Hỏa Nghi, tôi là doanh nhân đến từ Diệp quốc…
- Ngài Hỏa Nghi, rất hân hạnh! Tôi là…
Cả trăm người đến chỗ Hỏa Nghi và đều nói những câu tương tự nhau, gần như là cả đại sảnh. Kể cả những người Lưu Vân cũng không ngoại lệ. Họ Hỏa của Phi Thiên quốc có thể được kính ngưỡng, có thể bị khinh bỉ, hoặc cả hai, nhưng tựu chung là khiến người ta phải phô bày cảm xúc của mình. La Hóa là ví dụ. Cô vừa tự hào khi tháp tùng một vị khách tối quan trọng của hoàng đế, lại vừa bực mình khi kẻ đó là người Phi Thiên.
Người của Lục Thiên cũng tới gặp Hỏa Nghi, không ai khác là Lỗi Triện. Vẫn cặp mắt lé, vẫn cái nhìn láo liên thường chằm chặp vào bầu ngực phụ nữ, vẫn vóc dáng thấp bé cùng mái tóc đen, tay Hội đồng dân ủy nhỏ bé ngày nào của Liên Hiệp Bờ Tây giờ đã có vị trí vững chắc trong Nghiệp Đoàn Miền Bắc, dẫu cho nhiều thành viên Nghiệp Đoàn khinh miệt gã ra mặt. Lục Thiên đứng ra bảo hộ cho gã. Những tội trạng của hắn khi còn quản lý Khu 19 Đả Thải thành cũng bốc hơi sạch sẽ. Lục Thiên ra tay xóa sạch dấu vết. Lỗi Triện đã đặt cược đúng, giờ gã đang nhận tiền thưởng.
- Ngài Hỏa Nghi, chúng ta lại gặp nhau. – Lỗi Triện cười, bàn tay thô ráp chìa ra.
Hỏa Nghi nhìn xuống đâu đấy khoảng vài giây, nhưng rồi cũng bắt tay Lỗi Triện:
- Phải, lại gặp nhau. Hôm nay chúng ta là bạn, phải chứ?
- Chắc chắn rồi, còn hơn cả “bạn”. – Lỗi Triện cười.
Thế rồi họ trò chuyện phiếm như hai người bạn thực sự. Ở đây là đất Lưu Vân, họ trở thành đồng minh là lẽ tự nhiên.
Chừng năm phút sau, Hỏa Nghi quay lại với La Hóa. Suy cho cùng, gã vẫn thích trò chuyện cùng một cô gái hơn. Gã lên tiếng:
- Hoàng đế của cô đâu?
Nghe thế, La Hóa phấn chấn lạ thường:
- Ngài ấy sắp tới! Hôm nay là ngày trọng đại.
- Tiệc sinh nhật thôi mà? – Hỏa Nghin nhún vai.
Đương phấn chấn, đôi mắt La Hóa đanh lại. Khoảnh khắc ấy xảy ra rất nhanh, La Hóa biến thành một con người khác biệt ngay lập tức:
- Đừng móc mỉa vinh dự mà anh nhận được từ hoàng đế!
- Đó chỉ là một câu hỏi bình thường. – Hỏa Nghi giơ hai tay – Cô có thể trả lời rằng “À vâng, ngoài tiệc ra thì ngài ấy muốn công bố cái gì đó” chẳng hạn. Tôi không nghĩ mình có thái độ tồi, mà vấn đề là ở cô, một kẻ không biết kiềm chế. Đừng quên hôm nay, cô là vệ sĩ của tôi. Vậy đây là biểu hiện của người được tặng Hắc Bội Thập Tự?
La Hóa mím chặt môi rồi cúi đầu nhận lỗi. Hỏa Nghi thấy lạ. Nhiều năm làm hộ vệ thánh sứ, trong ấn tượng của gã, La Hóa trầm tĩnh và không phải người nói nhiều. Nhưng lần này khác, cứ như là một nhân cách thứ hai của cô ta vừa trỗi dậy, đạp bay nhân cách thứ nhất ra khỏi thể xác. Thù hằn dân tộc không phải lý do, Hỏa Nghi chắc chắn điều đó. Phải một thứ gì đấy đặc biệt mới khiến cô ta kích động như vậy.
- Xin thứ lỗi, nhưng tôi đang vui quá mức. – La Hóa cười – Nể tình chúng ta có quen biết khi làm hộ vệ thánh sứ, anh có thể bỏ qua không?
- Sự thật là chúng ta không ưa nhau vì những định kiến, nhưng đâu đến mức này? – Hỏa Nghi nhíu mày – Tôi nhớ rằng đã mua cho cô một suất ăn trưa ở Thánh Vực. Chúng ta cũng đồng ý với nhau rằng Thánh Vực dần biến tướng và không còn là nơi công tâm vô tư như trước. Chuyện gì xảy ra với cô vậy?
La Hóa im lặng. Hỏa Nghi nói thật, chẳng hề phóng đại. Giữa hai người thực sự có tôn trọng nhau, và chỉ cần thêm thời gian là thành bạn bè. Nhưng kể từ lúc mang thiệp mời sinh nhật tới Đảo Sắt Thép, La Hóa đã có biểu hiện lạ.
- Sớm thôi, anh sẽ biết. – La Hóa lại cười, thái độ thay đổi nhanh chóng mặt.
- Tôi được quyền biết hay không? – Hỏa Nghi hỏi.
- Có, sớm thôi.
Lúc này, cái cười của La Hóa hoàn toàn khác biệt. Chẳng còn chút khinh thị quyến rũ, nó đang dãn ra một cách thoải mái quá trớn, có phần si mê. Hỏa Nghi đã nhìn cặp mắt của hàng trăm con gái, gã dễ dàng nhận ra những thay đổi dù là nhỏ nhất.
Đương trường đang huyên náo, bỗng một âm trầm vang lên. Nó phát ra từ dàn kèn hơi khổng lồ trên trần đại sảnh, nối với một cây dương cầm rất lớn trên tầng lửng – cần ba nhạc công để phối hợp các phím đàn. Bên cạnh cây dương cầm, các nhạc công bắt đầu xướng lên những khúc trầm hùng. Từ đâu đó trong sảnh, một người Lưu Vân cất lời:
- Thủ lĩnh của Cựu Quốc Thủ Vân, người thống nhất các bộ lạc phía tây, người kế thừa hợp pháp của hoàng triều Vương và kế thừa hợp pháp từ Cựu Quốc Thủ Vân, người thừa kế ấn chữ thập từ Cựu Quốc Thủ Vân. Hoàng đế Vương Vi Hàn!
Mọi quan khách ngoảnh lên ngai vàng. Nhân vật chính của buổi tiệc đã tới. Từ dưới bậc tam cấp, vị hoàng đế chậm rãi bước lên.
Đó là một khung cảnh lộng lẫy.
Trước mắt Hỏa Nghi, vị tân hoàng đế mặc y phục chính màu đen, bên ngoài khoác một tấm vải bao nửa người và cố định bằng thắt lưng vàng; tấm vải được đính những viên đá quý màu bạc tên là “Ngân Lĩnh” – một vật truyền đời từ xa xưa, đã khoác lên người hàng trăm vị vua lẫn hoàng đế, từ mọi bậc minh vương đến các hôn quân, từ người xuất sắc nhất đến kém cỏi nhất, từ thời Cựu Quốc Thủ Vân xa xưa đến Lưu Vân quốc hiện tại. Trên cổ áo, mái tóc dài đen nhánh của Vi Hàn được buộc thành lọn dài và cố định bằng những vòng vàng trắng đính kim cương. Phủ lên lưng hoàng đế là một áo choàng màu đen tô điểm bằng những hoa văn kết bằng lá vàng, dài hơn bốn mét, phần vạt được nâng lên bởi hai lính ngự lâm theo sau.
Nhưng quan trọng hơn cả là phong thái của tân hoàng đế. Hỏa Nghi nhớ Vi Hàn hay cười và rất thân thiện. Mọi thứ chẳng thay đổi khi anh ta lên ngôi. Nụ cười tự tin, gương mặt đẹp đẽ hút hồn như một khối đá quý phát sáng, đôi mắt trong trẻo đầy sức sống – Vi Hàn vẫn vậy, khác chăng là vẻ đẹp thường ngày của anh ta nâng lên một tầm cao mới, tựa thể chạm đến bầu trời thế giới Tâm Mộng. Nếu mô tả cái đẹp lúc này của Vi Hàn bằng những lời lẽ dành cho một bà hoàng thì cũng chẳng thành vấn đề. Một sự lộng lẫy siêu thực, xóa bỏ mọi ranh giới.
Hỏa Nghi ngoảnh sang La Hóa. Cô ả chăm chú nhìn hoàng đế, sự si mê hiển hiện trên gương mặt đỏ ửng và hàm răng cắn chặt môi. Hỏa Nghi ghé đầu thì thầm:
- Hiểu rồi, cô thích Vi Hàn.
- Đừng có đùa! – La Hóa nghiến răng – Tôi khuyên anh đừng gọi thẳng tên ngài ấy, giờ ngài ấy là hoàng đế.
- Rồi, vậy là cô thích hoàng đế. – Hỏa Nghi cười.
- Đừng có đùa! – La Hóa nói khẽ – Tôi… không thể.
Hỏa Nghi nhếch mép cười đểu. Gã tiếp tục:
- Vậy đây là tiệc sinh nhật hay lễ đăng quang vậy? Nếu là sinh nhật… tôi không nghĩ hoàng đế rườm rà vậy. Khi ở Thánh Vực, anh ta không phải người như thế.
- Rồi anh sẽ biết.
La Hóa trả lời và vẫn bằng thái độ si mê mà cô ta cố gắng chối bỏ. Lúc này, âm nhạc đã ngừng, tiếng rì rầm trò chuyện của các vị khách cũng chấm dứt, chỉ còn thanh âm từ những dòng thác nhân tạo bao quanh sảnh. Vi Hàn đứng trước ngai vàng, dang rộng cánh tay, giọng nói âm vang:
- Chào mừng các vị khách quý.
Quan khách vỗ tay nhiệt liệt. Nhưng người Lưu Vân vỗ tay lớn hơn thế, như thể tâm trí họ đang dồn hết vào Vi Hàn. Tân hoàng đế xoay bàn tay ra dấu im lặng, những cái vỗ tay lập tức chấm dứt. Đại sảnh rộng lớn tưởng chừng bị đè nén dưới bàn tay của Vi Hàn. Tân hoàng đế nói tiếp:
- Cảm ơn các vị đã dành thời gian dự tiệc. Tôi rất cảm kích. Thực sự, tiệc này không nên diễn ra, đặc biệt là sau khi cha tôi, hoàng đế Vi Thành qua đời. Nhưng tôi thấy việc này là cần thiết, bởi đây là lúc tôi cần tuyên bố rõ ràng với thế giới Tâm Mộng…
Bên cạnh Hỏa Nghi, bàn tay La Hóa run lên. Gã ngờ ngợ điều gì đó, một loại khả năng mà gã từng nghĩ đến nhưng chắc mẩm sẽ không bao giờ xảy ra. Ngay lúc ấy, trên đài ngai vàng, Vi Hàn lớn giọng:
- Từ giờ, Lưu Vân quốc và Trục Chữ Thập sẽ không nhân nhượng bất cứ vấn đề gì. Tôi, với tư cách là hoàng đế tuyên bố bảo đảm mọi quyền lợi của Lưu Vân quốc và Trục Chữ Thập, và tôi sẽ làm mọi thứ để bảo vệ những quyền lợi đó. Từ nay, Lưu Vân quốc và Trục Chữ Thập là trên hết. Vinh quang cho Trục Chữ Thập!
Phía sau ngai vàng, lá quốc kỳ màu đen thêu hình chữ thập vàng trải xuống. Những lá cờ chữ thập khác cũng xuất hiện trên tường sảnh hay lan can tầng lửng. Ngay tức thì, những vệ binh, những vệ sĩ như La Hóa và chính bản thân La Hóa rút súng khỏi bao rồi giơ cao lên không trung:
- Vinh quang cho Trục Chữ Thập!
Quan khách được phen hoảng hồn. Nhưng tân hoàng đế Lưu Vân quốc chẳng thèm giải thích cho hành động này. Mọi thứ đều có chủ ý. Và Hỏa Nghi càng tin điều đó hơn khi đôi mắt Vi Hàn chú mục vào chính gã. Trong hàng trăm người dự tiệc, tân hoàng đế Lưu Vân chỉ nhìn trúng Hỏa Nghi. Không có sự ngẫu nhiên nào cả. Thời khắc đó, gã chợt hiểu La Hóa muốn nói cái gì.
Từ sau Chiến Tranh Tài Nguyên, bầu trời Tâm Mộng chỉ chứng kiến đôi cánh Phi Thiên bay lượn.
Nhưng giờ đây, những đám mây Lưu Vân bắt đầu trỗi dậy.
29 Bình luận
Ví dụ như bên trên La Hóa đã nói "người Phi Thiên được hoàng đế Lưu Vân mời dự tiệc cách đây đã nửa thế kỷ.", Bên dưới lại có đoạn Tô Mỹ kể đã cùng cha đến cung điện Lưu Vân Quốc gặp gặp hoàng đế Vi Triệt.
Cảnh miêu tả trang phục của Vi Hàn cũng khó hiểu: "nửa người khoác một áo choàng trắng được đính những viên đá quý màu bạc tên là “Ngân Lĩnh” – một vật truyền đời từ xa xưa, đã khoác lên người hàng trăm vị vua lẫn hoàng đế, từ mọi bậc minh vương đến các hôn quân, từ người xuất sắc nhất đến kém cỏi nhất, từ thời Cựu Quốc Thủ Vân xa xưa đến Lưu Vân quốc hiện tại. Trên cổ áo, mái tóc dài đen nhánh của Vi Hàn được buộc thành lọn dài và cố định bằng những vòng vàng trắng đính kim cương. Trên vai hoàng đế, một áo choàng màu đen (?) "
Bên trên: " Nhưng Hỏa Nghi ghét ả, thực sự ghét."
Xuống dưới nó lại thành thế này: "Giữa hai người thực sự có tôn trọng nhau"
Cả 2 vế trên còn đều được nhấn mạnh bằng chữ "thực sự" nữa
Ngoài ra, Chiến Tranh Tài Nguyên bắt đầu vào 30 năm sau khi hòa ước của Thời Đại Thủy Triều kết thúc. Mục đích là các nước tranh giành tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là quang tố. Đây là thời đại nổi lên của Liệt Giả. Liệt Giả được cho là người kết thúc thời đại này.